Hiển thị các bài đăng có nhãn tinytevietnam. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tinytevietnam. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Bạo hành nhân viên y tế

08:29 0

Một đêm trực giữa tháng 8 ở bệnh viện Tân Phú (TP HCM), mẹ của một bệnh nhi đã giang tay đánh nữ bác sĩ đang khám cho con mình. Người có trách nhiệm của bệnh viện chia sẻ với tôi rằng, người mẹ này giải thích hành động như vậy vì bức xúc chuyện nhà. Còn chị này nói với truyền thông rằng vì sốt ruột con đang sốt cao, phải chờ đợi và làm thủ tục lâu, không được khám ngay.

Trong quá trình hành nghề bác sĩ, thực tế tôi đã gặp nhiều trường hợp tương tự. Nhiều người nhà bệnh nhân (thường là người có vai vế hoặc có nhiều tiền) ngay từ khi vào viện đã có thái độ hống hách. Họ không thèm hợp tác với nhân viên y tế, chỉ biết đòi hỏi, và thường gây sự để đạt được những thứ mình muốn. Khi tôi khám, cho thuốc và đề nghị theo dõi, thì nhiều thân nhân bệnh nhân cứ muốn bác sĩ phải làm gì đó ngay lập tức. Khi bác sĩ giải thích bệnh nhân cần được theo dõi thì họ không tin và cho rằng chúng tôi vòi vĩnh.

Ai cũng luôn cho mình là người bị bệnh nặng nhất, cho mình quyền được ưu tiên số một mà không hiểu rằng, ngay cả những bệnh viện không quá tải ở các nước tiên tiến, như Mỹ chẳng hạn, người ta cũng phải phân loại bệnh nhân cấp cứu, ai bị nguy hiểm hơn cấp cứu trước, ít nguy hiểm hơn cấp cứu sau. Và hậu quả là tình trạng bạo hành nhân viên y tế có chiều hướng ngày càng gia tăng, trong đó có nhiều vụ thương tâm. Đơn cử, tháng 8/2011, tại khoa hồi sức cấp cứu, bệnh viện huyện Vũ Thư, Thái Bình, người nhà của một bệnh nhân chết trước khi vào viện đã đâm chết một bác sĩ giàu kinh nghiệm và đâm trọng thương một bác sĩ 30 tuổi.

Thực tế, nạn bạo hành trong bệnh viện không chỉ có ở Việt Nam. Ở Mỹ, chỉ trong hai năm (2000-2011), có tới hơn 150 vụ bắn súng trong bệnh viện, 29% xảy ra ở phòng cấp cứu. 28% số nạn nhân là các bác sĩ, điều dưỡng và những nhân viên y tế khác. Gần đây nhất, tháng 1/2015, một người đàn ông đã vào bệnh viện ở bang Massachusetts, bắn chết bác sĩ phẫu thuật tim, người đã điều trị cho mẹ ông ta và bà đã chết trước đó hơn một tháng. Theo thăm dò của Scientific American năm 2014, 80% điều dưỡng Mỹ báo cáo đã bị bạo hành, dưới dạng đấm, đá, cào, cắn, phun nước miếng, đe dọa và quấy rối.

Để ngăn chặn tình trạng trên, tôi được biết, cơ quan quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp nước này đã ban hành bộ “hướng dẫn phòng ngừa bạo hành công sở trong y tế và dịch vụ xã hội” và đã có nhiều bang trên nước Mỹ bắt buộc các bệnh viện phải thực hiện hướng dẫn này. Người đại diện chính quyền bang Texas thậm chí đề nghị cho phép nhân viên y tế mang súng vào bệnh viện để tự vệ. Học viện quốc gia về sức khỏe và an toàn nghề nghiệp Mỹ cũng đã huấn luyện miễn phí cho hơn 8.000 nhân viên y tế kỹ năng chống lại bạo hành và thoát hiểm khi bị tấn công.

Theo điều luật của Mỹ mới được cập nhật gần đây, tất cả hành vi tấn công nhân viên y tế đều bị trừng phạt. Theo đó, các hành vi tấn công gây thương tổn thân thể cho nhân viên y tế được xếp vào tội phạm mức độ 3, bị phạt tù từ 3 đến 5 năm, phạt tiền đến 15.000 USD. Các hành vi tấn công nhân viên y tế khác bị xếp vào tội phạm mức độ 4, phạt tù đến 18 tháng và phạt tiền đến 10.000 USD. Ngoài ra, những hành vi bạo hành nhân viên y tế đơn lẻ sẽ bị giam giữ đến 6 tháng và phạt tiền đến 1.000 USD.

Trên các diễn đàn ở Việt Nam, đáng tiếc là vẫn còn nhiều ý kiến biện minh hoặc thông cảm cho hành vi bạo hành nhắm vào nhân viên y tế. Trên thực tế, Bộ Y tế và các cơ quan quản lý y tế đã thành lập nhiều kênh thông tin để người bệnh phản ánh những bức xúc của mình. Nhưng bạo lực vẫn diễn ra, và người ta vẫn đổ lỗi cho bức xúc.

Ngoài những thiệt hại mà nhân viên y tế phải gánh chịu do những vụ bạo hành mang lại, người bệnh và xã hội cũng phải gánh chịu nhiều hậu quả. Không nhân viên y tế nào có thể toàn tâm toàn ý vào việc phục vụ bệnh nhân khi luôn phải phòng thủ trước thân nhân, bệnh nhân. Và như vậy, khả năng sai sót y khoa xảy ra sẽ tăng cao. Sẽ có nhiều hệ lụy khó lường xảy ra nếu sự an toàn của nhân viên y tế khi đang hành nghề không được bảo đảm.

Nếu nhân viên y tế sai, sẽ có pháp luật xử lý. Nếu bệnh viện sai, sẽ có pháp luật xử lý. Hãy để cho luật pháp làm việc với họ. Không gì có thể biện minh cho nạn bạo hành nhân viên y tế. Theo tôi, cần phải nghiêm trị những kẻ hành hung nhân viên y tế, dù vì bất cứ lý do gì. Không thể cổ vũ, không thể thông cảm cho những hành vi bạo lực, đặc biệt là những hành vi bạo lực nhắm vào nhân viên y tế, những người vì lương tâm, vì y đức mà không thể tự vệ theo bản năng thông thường.

BS. Võ Xuân Sơn - Vnexpress.net

Read more...

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Cách phòng ngừa lây virus nguy hiểm Ebola

02:08 0

Hãy thường xuyên rửa tay với xà phòng, tránh tiếp xúc các động vật có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola... để phòng lây lan bệnh.
 
Dịch Ebola xuất hiện trở lại ở Tây Phi từ tháng 3 và đang vượt khỏi tầm kiểm soát khiến nhiều quốc gia lo ngại. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đến nay đã có hơn 1.300 ca mắc và 729 trường hợp tử vong tại ba quốc gia Guinea, Liberia và Sierra Leone. Tỷ lệ tử vong khoảng 55%.

Để tránh bệnh lây lan sang Việt Nam, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo cách phòng ngừa Ebola như sau:

Virus Ebola lây nhiễm sang người như thế nào

Virus Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm; lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da, niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm virus (quần áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng).
Ảnh: AFP.
Thế giới đang đối mặt nguy cơ dịch Ebola lan rộng. Ảnh: AFP.
Người có nguy cơ cao nhiễm virus này
Trong dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, các nhóm có nguy cơ cao nhiễm virus gồm: 
- Thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh.
Người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm virus Ebola.
Người đi săn tiếp xúc với động vật chết do nhiễm virus Ebola trong rừng.
Cán bộ y tế.
Dấu hiệu nhận biết và triệu chứng bệnh do virus Ebola
- Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện triệu chứng như sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng.
- Tiếp theo là các triệu chứng nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận, suy gan.
- Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài.
- Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày.
Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Khi nào nên đi khám
Nên đến ngay cơ sở y tế nếu sống trong khu vực có dịch bệnh do virus Ebola hay khi tiếp xúc với người nhiễm hay nghi ngờ nhiễm virus Ebola và khi bắt đầu thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh.
Bất kỳ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nào cũng cần được thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất và được chăm sóc y tế nhằm giảm nguy cơ tử vong. Cần kiểm soát sự lây truyền của bệnh và tiến hành ngay các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn.
Phương pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola
Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola cần được điều trị tích cực, được bù nước với các dung dịch điện giải qua đường uống hay truyền tĩnh mạch. Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi được chăm sóc y tế thích hợp.
Để kiểm soát sự lây truyền của virus, người mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh cần được cách ly với các bệnh nhân khác trong cơ sở y tế và được nhân viên y tế điều trị với việc tuân thủ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.
Làm gì để phòng nhiễm virus Ebola
Hiện chưa có văcxin phòng bệnh do virus Ebola. Nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ của bệnh và các biện pháp phòng tránh cho người dân hiện nay là biện pháp duy nhất để giảm số ca mắc và tử vong.
Do virus Ebola lây truyền từ người sang người, các biện pháp sau đây có thể được thực hiện để phòng chống lây nhiễm và hạn chế hay cắt đường lây truyền bệnh:
- Hiểu rõ đặc điểm của bệnh, đường lây truyền, biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Nếu nghi ngờ một ai đó nhiễm virus Ebola, cần động viên và giúp đỡ họ đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.
Nếu có ý định chăm sóc bệnh nhân mắc virus Ebola tại nhà, cần thông báo cho cán bộ y tế để được cung cấp găng tay, phương tiện phòng hộ cá nhân và được hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân, cách bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bị lây nhiễm, cách tiêu hủy phương tiện sau khi sử dụng.
- Khi thăm bệnh nhân trong bệnh viện hay chăm sóc bệnh nhân tại nhà, cần rửa tay với xà phòng hoặc chất sát khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh, hay tiếp xúc với dịch tiết cơ thể hoặc sờ vào các vật dụng của người bệnh.
- Cần tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola như dơi ăn quả, khỉ, hay vượn... tại khu vực có rừng nhiệt đới.
- Không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh. 
- Thịt và tiết của động vật nên được nấu chín kỹ trước khi ăn.
- Người đi du lịch cần tránh mọi tiếp xúc với người mắc bệnh. Nếu từng ở những nơi có các trường hợp mắc mới được thông báo, nên theo dõi xem có thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh, và đến ngay cơ sở y tế nếu thấy có các dấu hiệu bệnh đầu tiên.
Lê Phương-VNE
Read more...

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Một phụ nữ tử vong sau khi bơm silicon lỏng khắp người

21:16 0
 

Bơm silicon lỏng từ mặt đến ngực, tay, chân và bị sốc nhiễm trùng, một phụ nữ đã tử vong. Một trường hợp phải cấp cứu tai biến do nâng ngực bằng cách bơm silicon lỏng từ những người "hành nghề" thẩm mỹ dạo - Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp

Theo nguồn tin của Thanh Niên Online, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã tiếp nhận một người phụ nữ nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm trùng nặng sau khi bơm silicon lỏng khắp cơ thể để làm đẹp.

Bệnh nhân là bà H. (ngụ tỉnh Trà Vinh) đã tử vong vào rạng sáng nay 27.4.

Bệnh nhân H. được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 26.4 trong tình trạng người xanh tái, vã mồ hôi, sốt cao 39,5 độ C, lơ mơ, bị sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, theo dõi thuyên tắc phổi...

Được biết, vào ngày 25.4, bà H. được một người làm nghề thẩm mỹ dạo đến nhà bơm silicon lỏng rải rác khắp cơ thể - hai bên bầu ngực, hai bên gò má, ở vùng thái dương, vùng cổ, mu bàn tay, mu bàn chân.

Sau đó bà H. mệt, khó thở.

Theo các bác sĩ khoa Tạo hình và Phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, đây là lần đầu tiên khoa này tiếp nhận trường hợp bơm silicon lỏng quá nhiều nơi trên cơ thể như vậy.

Các vết bơm tiêm trên cơ thể bà H. bị sưng tấy đỏ, nhiễm trùng, chảy dịch vàng.

Một bác sĩ của khoa Tạo hình và Phẫu thuật thẩm mỹ cho biết gần đây có nhiều trường hợp bệnh nhân ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long gặp biến chứng vì không hiểu biết, đã bơm silicon lỏng vào cơ thể. Theo vị bác sĩ này, trước đây, các trường hợp trên gặp nhiều ở địa bàn tỉnh Bình Dương.

Trong khi từ lâu silicon lỏng đã bị cấm dùng trong y học, bởi biến chứng do nó gây ra. Silicon lỏng hiện chỉ được dùng trong ngành công nghiệp.

Biến chứng thường gặp sau khi bơm silicon lỏng vào cơ thể là nhiễm trùng tại chỗ, nhất là bơm chích ở nơi không đảm bảo vô trùng, người bơm không có chuyên môn y tế, sẽ gây nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong.

“Nếu bơm trúng vào mạch máu, khối silicon lỏng sẽ di chuyển làm thuyên tắc mạch máu, nguy hiểm nhất là thuyên tắc phổi, gần như 100% sẽ tử vong sau đó. Đáng lo lắng là những người hành nghề thẩm mỹ dạo, dễ dàng bơm silicon lỏng cho bệnh nhân, lại đang xuất hiện ở các tỉnh”, một bác sĩ thẩm mỹ nói.

Thanh Tùng - Thanh niên
Read more...

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Trận đánh mới trong cuộc chiến bệnh sởi

18:54 0
Trương Hữu Khanh

Từ thực tế tiếp nhận điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và các báo cáo tại Bệnh viện Nhi Trung ương thời gian qua cho thấy, các ca nhập viện và tử vong hầu hết là do biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, trong khi trận sởi bùng lên cách đây vài năm chủ yếu gây biến chứng não.

Cả hai loại biến chứng đều nguy hiểm, song biến chứng hô hấp nguy hiểm hơn vì rất dễ gây tử vong. Theo tôi, cuộc chiến với bệnh sởi chính thức bắt đầu và đây là trận đánh cần phải được bàn kỹ mới có thể chiến thắng, nhất là vấn đề hỗ trợ hô hấp.

Số ca sởi miền Nam thực tế không thua miền Bắc, tuy nhiên bệnh nặng hay nhẹ là do nhiều yếu tố như nhân lực, cơ địa, vùng miền. Chẳng hạn miền Bắc ít có bệnh tay chân miệng, nhưng miền Nam thì có nhiều hơn.

Tại TP HCM khi thấy có dịch sởi, nhờ các bệnh viện tuyến quận huyện đã được tập huấn nên họ có thể giữ bệnh nhân lại điều trị, nếu gặp khó khăn sẽ nhờ các bệnh viện lớn hướng dẫn. Điều này giúp giảm tải bệnh viện tuyến trên. Trong khi hiện nay tại Hà Nội, hầu hết bệnh viện tuyến dưới, thậm chí một số tỉnh lân cận cũng chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương và đây chính là lý do gây quá tải.

Bệnh viện Nhi trung ương đang vỡ trận do nhân lực và nguồn lực không gánh nổi. Toàn bộ khoa Nhiễm và khoa Hồi sức của Bệnh viện Nhi Trung ương đang được sử dụng để điều trị sởi nhưng vẫn không kham nổi. Vì thế bệnh viện này cần phải được tăng nhân lực và thiết bị gấp đôi hiện tại thì mới giải quyết được.

Để khống chế ca tử vong do sởi, cần có ngay một phác đồ được cập nhật mới, phù hợp với tình hình sởi đang diễn ra. Phác đồ cũ được viết cách đây hơn 5 năm tập trung vào viêm não do thời điểm đó người mắc sởi chủ yếu biến chứng viêm não. Lần này do lượng bệnh nhân bị biến chứng hô hấp nhiều hơn nên phác đồ mới sẽ tập trung vào việc chăm sóc hô hấp.

Phác đồ mới cần phải xoáy vào hỗ trợ hô hấp để giảm tử vong do hô hấp; phương pháp phòng ngừa trong bệnh viện; và phân tuyến điều trị. Đặc biệt hỗ trợ hô hấp sẽ được viết chi tiết (bảo đảm cho trẻ bị suy hô hấp đầy đủ ôxy tùy mức độ bệnh) để các tuyến có thể thực hiện. Muốn làm tốt việc này phải cần thêm máy móc và con người đủ để theo dõi.

Số liệu tổng kết cho thấy đa số các ca tử vong do sởi ở Hà Nội là không chích ngừa, cho nên vấn đề chính để phòng ngừa bệnh sởi là phải chích ngừa. Một trong những sai lầm thường thấy là các bác sĩ tiêm phòng hay tư vấn tiêm văcxin 5 trong 1 Quinvaxem (bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não) rồi một tháng sau mới tiêm văcxin sởi cho các bé. Nhưng với tình hình hiện nay, theo tôi các bác sĩ cần tập trung ưu tiên tiêm văc xin sởi cho các bé vì chậm một tháng là các cháu đã có thể mắc bệnh.

Chúng ta hiện có đủ văcxin sởi. Trẻ dưới 3 tuổi sẽ được tiêm miễn phí, trên 3 tuổi thì tiêm dịch vụ chưa đến 200.000 đồng. Sau khoảng 10 ngày tiêm thì bé sẽ có miễn dịch. Trẻ tiêm rồi thì vẫn có thể mắc bệnh, nhưng bệnh nhẹ và không gây biến chứng.

Nguyên tắc của bệnh sởi xuất hiện theo mùa, nếu miễn dịch không có thì từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm bệnh sẽ xuất hiện. Sởi tấn công đầu tiên vào những người có nhóm miễn dịch thấp nhất. Như hiện nay, trẻ từ 12 tháng đến 2 tuổi mắc bệnh nhiều nhất do chưa tiêm phòng. Trẻ dưới 12 tháng là đối tượng bị tấn công thứ hai do nhóm này vẫn còn kháng thể từ cơ thể mẹ. Nhóm 9-10 tuổi bị tấn công cuối cùng, nhóm này có thể đã được tiêm từ nhỏ và đến tuổi này thì miễn dịch yếu đi.

Theo quan điểm của tôi, công bố dịch hay không thời điểm này không quan trọng mà là tất cả chúng ta phải làm gì để giải quyết tình trạng bệnh tăng? Ví dụ, truyền thông nên làm gì, người dân ý thức như thế nào, vai trò của điều trị làm gì, vai trò của nhà quản lý làm gì. Vì thế chỉ cần thông báo: "Hiện nay bệnh sởi đang có dịch tới mức tất cả cùng nhau phòng chống từ người dân cho đến truyền thông, đến cán bộ điều trị". Nó đồng nghĩa với việc chỉ đạo địa phương đang có nhiều ca bệnh và cần tập trung cao độ để khống chế bệnh.

Miền Nam dù bệnh sởi chưa bùng phát nhưng theo tôi vẫn cần phải lo chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ. Thứ nhất phải rà lại nguồn lực thuốc men, trang thiết bị và nhân lực. Thứ hai phải tập huấn lại cho các tỉnh. Các báo cáo hiện không thể hiện ca bệnh ở tỉnh nhưng thực tế ca nhiễm sởi ở Hà Nội vẫn có đến từ các tỉnh. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, lượng bệnh nhân ở tỉnh chuyển lên cũng chiếm khoảng 30%. Khi đã tập huấn cho các tỉnh các điều trị thì sẽ giảm tải cho tuyến trên.

Về phía phụ huynh, trẻ mắc sởi thường sốt, viêm họng và ho dữ dội sặc sụa là dấu hiệu cho thấy có thể mắc bệnh, tuy nhiên điều này không đáng sợ bằng khi trẻ bắt đầu thở nhanh. Lời khuyên của tôi là phụ huynh nếu theo dõi thấy trẻ thở nhanh thì nên đưa đến bệnh viện ngay. Ho nhiều hay sốt cao không liên quan đến độ nặng của bệnh mà chủ yếu là lo theo dõi cách thở và chăm sóc ăn uống vì các bé có thể suy sinh dưỡng luôn sau khi mắc bệnh. Ngoài thở nhanh, trẻ mắc sởi còn có thể bị viêm não, triệu chứng nặng là co giật.

Một trong những sai lầm cũng cần lưu ý từ phía các phòng mạch. Thấy trẻ sốt cao ho nhiều nhưng chưa phát ban, các bác sĩ ở phòng mạch nghĩ bé bị hốt ho viêm họng thông thường cho uống corticoid để giảm ho, nhưng điều này dễ gây nguy hiểm bởi corticoid gây giảm miễn dịch, nếu trẻ mắc sởi thì bệnh sẽ nặng hơn.

BS.Trương Hữu Khanh - VNE
Read more...

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Nam sinh lớp 9 Nhiễm HIV do bị lạm dụng khi đi học bơi

04:41 0
 

Chuyện đau lòng này xảy ra với một học sinh nam, đang học lớp 9 một trường trung học cơ sở ở Q.Tân Bình, TP.HCM. Cả cha mẹ em và bản thân em này đều khóc hết nước mắt khi được bác sĩ thông báo em bị nhiễm HIV.

Người cảnh báo về trường hợp này là bác sĩ Trương Hữu Khanh - tiểu ban nhi Ủy ban phòng chống AIDS TP.HCM, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM. Bác sĩ Khanh kể em học sinh này được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám bệnh với triệu chứng ốm yếu, sốt, ho, các bác sĩ đã cho em xét nghiệm máu và kết quả dương tính với HIV. Được sự động viên, em học sinh này mới kể lại câu chuyện đau lòng xảy ra với mình. Khoảng tháng 10-2013, em được đi học bơi ở một hồ bơi trên địa bàn Q.Tân Bình. Ngay buổi học đầu tiên, khi em vào phòng thay đồ để đi về thì bị một thanh niên lạ mặt, dáng người cao to, khoảng 30 tuổi xông vào phòng, bịt chặt miệng em lại không cho la lên và lạm dụng em qua đường hậu môn. Hai buổi học tiếp theo, em cũng bị người lạ mặt này xông vào và làm chuyện tương tự nên đến buổi học cuối cùng, em sợ quá không dám đến hồ bơi mà trốn buổi học này.

Khoảng 5-6 tháng sau khi bị lạm dụng, em bắt đầu có biểu hiện ốm yếu, sốt, ho nên gia đình mới đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 và bác sĩ phát hiện em bị nhiễm HIV. Theo bác sĩ Hữu Khanh, quan sát em qua các buổi tham vấn cho thấy khả năng em bị nhiễm HIV do bị lạm dụng khi đi học bơi là có cơ sở chứ em không thể tự tạo ra câu chuyện bị lạm dụng này. Đến nay, gia đình em vẫn chưa báo với nhà trường biết về việc con mình bị lạm dụng khi đi học bơi và đã bị nhiễm HIV.

Bác sĩ Khanh còn cho biết tháng 8-2013, bệnh viện cũng tiếp nhận và xét nghiệm một sinh viên nam 19 tuổi bị nhiễm HIV và cũng cho biết bị lạm dụng tương tự như vậy ở một hồ bơi tại Q.12. Theo lời kể của nam sinh viên này, khoảng tháng 3-2013, khi đang là học sinh trung học phổ thông, em có đi bơi. Một lần, khi bơi xong, hồ bơi rất vắng, em vào phòng thay đồ và bị một thanh niên cao lớn, ở độ tuổi ngoài 30 bất ngờ xông vào phòng bịt miệng và lạm dụng qua đường hậu môn. Sau đó khoảng năm tháng, em bắt đầu xuất hiện triệu chứng nhiễm HIV và được xét nghiệm. Hiện sinh viên này đang được điều trị bằng thuốc ARV (thuốc kháng virút HIV) và sức khỏe ổn định.

Bác sĩ Hữu Khanh nói ông thật sự rất lo lắng vì không loại trừ có thể còn một vài em khác cũng đã bị đối tượng xấu lạm dụng tương tự. Nếu không lên tiếng cảnh báo thì có thể đã có em bị lạm dụng tương tự nhưng không dám nói với gia đình, không đến cơ quan y tế kịp thời để khi sức khỏe có vấn đề, xuất hiện triệu chứng HIV mới tới thì đã chậm trễ.

Tuổi trẻ
Read more...

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Sai sót y khoa- 99% do lỗi hệ thống

20:37 0


Sai sót y khoa- 99% do lỗi hệ thống

Trong hầu hết các trường hợp sai sót y khoa, chúng ta rất dễ dàng để đi đến một kết luận: qui kết cho người trực tiếp gây ra lỗi. Nhưng lỗi ở trình độ và hiểu biết yếu kém của cá nhân gần như chỉ chiếm 1%, còn lại 99% là do hệ thống đã được thiết kế để "sai sót" một lúc nào đó chực chờ xuất hiện.

Sai sót y khoa- 99% do lỗi hệ thống

Nếu chúng ta đứng lùi lại một chút để thấy một bức tranh rộng hơn, chúng ta sẽ thấy rõ "nhân viên đầu chiến tuyến" (trực tiếp chăm sóc bệnh nhân: bác sĩ - điều dưỡng) - gọi là sharp-end (góc dưới cùng bên tay phải của hình sau); và những gì diễn ra ở những khâu trước đó - "behind the scene" - gọi là blunt end, và quan trọng là: sai sót đã xảy ra như thế nào?
Sai sót đã xảy ra khi các lỗ hổng của các lớp bảo vệ trong hệ thống xếp thẳng hàng với nhau, khi cùng lúc vượt qua tất cả các hàng rào bảo vệ: từ vai trò người lãnh đạo, vai trò cấu trúc hệ thống, hành vi, văn hoá, kỹ thuật, đào tạo, huấn luyện, kiểm tra... Lấy ví dụ vụ tiêm nhầm vắc-xin (và tin rằng các bạn có thể áp dụng cho bất kì trường hợp sai sót nào khác): sharp-end là khi điều dưỡng nào đó tiêm nhầm thuốc do không kiểm tra trước khi tiêm, các lớp bảo vệ đã bị xuyên thủng: do thuốc Esmeron vì lý do nào đó được để cùng tủ thuốc với văc xin, do cúp điện, do lọ thuốc Esmeron được thiết kế tương đối giống với lọ văc-xin...
- Đó là chưa kể đến khả năng các lỗ hổng do yếu tố con người (stress, chán chường, mệt mỏi, đau bệnh, thiếu kinh nghiệm...
- Chưa kể đến: qui trình thiết kế trùng nhau ở những điểm quan trọng dẫn đến sai sót (ví dụ trùng nhau ở chỗ lưu trữ thuốc, dẫn đến việc lấy nhầm thuốc)
- Chưa kể đến những sai sót (hiểu lầm) trong giao tiếp giữa nhân viên y tế với nhau...
- Chưa kể đến qui trình-thói quen ghi toa, đọc toa, kiểm tra toa thuốc, cấp phát thuốc, đối chiếu bệnh nhân...
- Chưa kể đến chúng ta huấn luyện - đào tạo liên tục thế nào, làm sao để duy trì chất lượng nhân lực
- Quản lý nhân lực - khuyến khích, tạo động lực như thế nào, quản lý hành vi, làm sao định hướng nhân lực làm theo tầm nhìn và chiến lược của bệnh viện?
- Sửa chữa định kì và nâng cấp cơ sở vật chất như thế nào? (làm sao đảm bảo máy móc - dụng cụ luôn hoạt động tốt khi cần thiết)
- Chưa tính đến chuyện lên kế hoạch cho tương lai... và rất nhiều thứ thay đổi một cách chóng mặt về kỹ thuật, mô hình bệnh tật, nhu cầu chăm sóc y tế...


Sai sót y khoa- 99% do lỗi hệ thống

Tôi không muốn biện minh cho những sai sót của "nhân viên đầu chiến tuyến", nhưng theo mô hình Swiss Cheese ở trên, để một lỗi có thể xuất hiện, là do những lớp bảo vệ (từ đầu nguồn phía những người lãnh đạo, thói quen, văn hoá của bệnh viện, cấu trúc hoạt động, qui trình, chính sách, đào tạo, kiểm tra, kỹ thuật, cơ sở vật chất...) bản thân nó đã có sai sót tiềm ẩn (latent error). Bình thường sai sót chưa xảy ra là do các lỗi đó không xảy ra cùng lúc, nhưng cái hệ thống đó đã được sắp đặt sẵn để xảy ra sai sót (active error). Trong hình trên, các bạn qui trách nhiệm cho ai? Và hình dưới đây, các bạn qui trách nhiệm cho ai?
Để nói rõ hơn về lỗi tiêm nhầm thuốc (medication error), các bạn thử nghĩ xem qui trình đó như thế nào? Bác sĩ ghi toa -> Toa đến nhà thuốc -> Nhập thuốc -> Phát thuốc -> Điều dưỡng nhận thuốc -> Lưu trữ thuốc -> Kiểm tra bệnh nhân -> Tiêm thuốc.
Điều gì xảy ra nếu bác sĩ ghi toa viết tắt, không rõ ràng... Trong khi The Joint Commision đã khuyến cáo không sử dụng các chữ viết tắt U, IU, QD, q.d... thì đây vẫn là thói quen rất phổ biến của bác sĩ. Năm 2001, một bệnh nhi 9 tháng tuổi đã tử vong vì quá liều Morphine giảm đau hậu phẫu: 5mg IV, thay vì "Morphine .5 mg IV" (Washington Post, 4/20/2001).

6U hay 60 Unit 
6U hay 60 Unit 

Năm 2007, một bệnh nhân tử vong vì được truyền tĩnh mạch Potassium Phosphat thay vì truyền qua ống nuôi ăn. (ISMP Medication Safety Alert, Mar 8, 2007) Bệnh nhân tại Viện Ung thư Dana Farber, Boston, được ghi toa "4 gram mỗi m2 ngày 1-4" (nghĩa là 1 gram mỗi m2 mỗi ngày) đã được truyền 4gram/m2 mỗi ngày, dẫn đến tử vong vì quá liều gây ngộ độc tim.

25 Units/ giờ hay 25 mL/giờ 
25 Units/ giờ hay 25 mL/giờ 

Những trường hợp như thế này không phải là hiếm, và những kiểu viết cùng khả năng gây nhầm lẫn... có thể bắt gặp rất dễ dàng trong bất kì hồ sơ bệnh án nào. (Mong các bạn đừng nói: thiếu trách nhiệm, viết ẩu, không theo qui định..., đó không bao giờ là cách giải quyết hiệu quả)

QD (mỗi ngày) hay QID (4 lần/ngày) 
QD (mỗi ngày) hay QID (4 lần/ngày) 

Điều gì xảy ra nếu nhà thuốc nhập thuốc sai? phát thuốc sai?
Điều gì xảy ra nếu điều dưỡng (ĐD) nhìn nhầm 2 loại thuốc tên gần giống nhau. Các bạn có thể trách cá nhân ĐD thiếu trách nhiệm, không 3 tra 5 đối, không đúng qui trình, có thể đuổi việc, có thể trách nhiệm hình sự... nhưng các bạn sẽ không bao giờ ngăn chặn những lỗi tương tự xảy ra, bởi vì... "2 loại thuốc đó" luôn chực chờ để sai sót xảy ra. Vì lý do này mà FDA (US Food and Drug Administration) kiểm tra rất kĩ khả năng tên thuốc gây nhầm lẫn: họ tập hợp khoảng 120 chuyên gia, kiểm tra khoảng 300 tên thuốc mỗi năm trước khi đưa ra thị trường, thậm chí họ còn có phần mềm chuyên nhận dạng những tên thuốc có thể gây nhầm lẫn: Zantac (điều trị viêm dạ dày) - Zyrtec (điều trị dị ứng) - Zyprexa (điều trị rối loạn tâm thần); hoặc Celebrex (kháng viêm) - Celexa (điều trị trầm cảm).
Điều gì xảy ra nếu bệnh nhân cùng tên họ, cùng phòng, có khi còn cùng giường một cách ngẫu nhiên? (chúng ta đã gặp rất nhiều tình huống như thế này, nhưng chưa có ai-chính sách-qui trình nào nhằm tránh xảy ra tình huống tương tự, bởi vì chúng ta chưa bao giờ nghĩ: lỗi ở hệ thống!)
Theo bác sĩ Paul Seligman, trưởng phòng Dược lý-Dịch tễ và Khoa học Thống kê của FDA: Trong hầu hết trường hợp, tiêm nhầm thuốc không thể qui kết cho một cá nhân. Vậy thì giải pháp là gì? Các giải pháp nhằm tự động hoá, giảm vai trò của con người (Sử dụng Bar code, hệ thống phát thuốc tự động hoá, hệ thống báo động khi nghi ngờ khả năng phản ứng thuốc, chức năng bắt buộc ghi nhận các thông tin tối cần thiết (dị ứng, tiền sử thuốc...) trước khi ghi toa..., toa điện tử để giảm nhầm lẫn, đặt lại tên thuốc, thiết kế bao bì)... là những công cụ hỗ trợ, nhưng điều cần nhất là chúng ta có cái nhìn hệ thống hơn để không qui kết trách nhiệm cho từng cá nhân nơi "sharp-end", mặt khác, có chính sách khuyến khích tất cả mọi người kể lại tình huống sai sót (ở tất cả các tấm chắn bảo vệ) để biết "lỗ hổng" ở đâu, độ lớn thế nào, phổ biến những sai sót cho mọi người biết và đề ra cách khắc phục.
Để ngăn chặn lỗi, không phải cứ ra mệnh lệnh, mà còn phải quan tâm đến khoa học hành vi, lãnh đạo, quản lý, cấu trúc, cơ sở vật chất... Sẽ không bao giờ có khái niệm 100% không sai sót, nhưng đừng vịn vào đó hoặc là so sánh nơi này nơi kia để biện minh. Một khi đã có qui trình, mà lúc nào lỗi xảy ra cũng chỉ có 1 kết luận: "không làm đúng qui trình", thì cần nhìn lại giá trị của qui trình, đào tạo, huấn luyện để thực hiện đúng qui trình, chính sách hỗ trợ làm đúng qui trình, kỹ thuật hỗ trợ qui trình... và "bức tranh lớn hơn"(hệ thống từ blunt-end đến sharp-end) của qui trình đó.
Tóm lại, sai sót "xém chút xuất hiện", hoặc "đã xuất hiện gây tai biến"... là những cơ hội để cải thiện. Đừng để những tử vong oan uổng!
Bài viết, ý kiến đóng góp cho diễn đàn “Tai biến y khoa” xin gửi về banthukysk@gmail.com, bandientuskds@gmail.com. Tòa soạn tôn trọng các quan điểm khác nhau, các ý kiến phản biện của tác giả trên cơ sở khách quan, trung thực và khoa học. Các bài viết đăng trên diễn đàn này thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

BS. Phạm Ngọc Trung (từ Boston, Hoa Kỳ) - SK&ĐS
Read more...

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Vì sao bác sĩ khó trở thành mẹ hiền !

00:53 0

Y khoa – Đừng đẩy nhau về hai thái cực

Chi phí y tế là vấn đề ưu tư rất lớn trong đại bộ phận người đi khám bệnh ở Việt Nam.Y tế Việt Nam được miễn phí cách đây lâu rồi. Vào bệnh viện, người bệnh không phải trả tiền, bác sĩ sẽ quyết định ai được chụp X quang, ai được gây tê để khâu vết thương, ai phải khâu sống. Lúc đó, bác sĩ như một ông Trời, quyền sinh, quyền sát. Chính vì vậy mà đòi hỏi thầy thuốc phải như mẹ hiền, công bằng, đầy ắp lương tâm.

Nhưng rồi nhà nghèo, lấy đâu ra cơm gạo mà nuôi đủ các con, rồi thì đâu phải “mẹ” nào cũng hiền. Còn nhớ cảnh các bác sĩ ngoại thần kinh mỗi người thủ cho mình một cái ống nghiệm, trong đó chứa mấy cây kim Long Well, loại kim luồn dùng một lần rồi bỏ, ngâm trong alcool, để làm mạch não đồ cho bệnh nhân. Nhiều chiêu được phát minh như mài kìm, cắt gọt đầu nhựa của kim, để có thể sử dụng được cả trăm lần. Có những lúc người ta toan tính quay lại thời kỳ chiến tranh, dùng nước dừa để truyền dịch.

Thế rồi Liên Xô sụp đổ, cả đất nước rơi vào hụt hẫng. Chỉ trong vài năm sau, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo. So với cái thời ăn bo bo, dân ta no hơn, ấm hơn. Dịch vụ y tế đã phải trả tiền, bệnh nhân không còn phải ngồi chờ cả đêm. Tất cả vết thương đều được gây tê khi khâu, xuyên tâm liên biến mất… Song song đó, bác sĩ không còn là ông Trời, tôi trả tiền, ông phục vụ. 3.000 đồng tiền công khám bệnh, 35.000 đồng tiền công mổ đại phẫu. Người ta trả công cho các bác sĩ như vậy và bảo: Hãy phục vụ đi.

Khi đòi hỏi phải phục vụ thì họ nhân danh cái nửa tên là thị trường, nhưng cái nửa mang tên định hướng lại đứng ra trả thù lao. Cái nửa mang tên định hướng của nền kinh tế bảo thầy thuốc phải như mẹ hiền. Một nền y tế rẻ mạt theo kiểu định hướng như vậy trong một xã hội điên cuồng chạy theo vật chất mang tên thị trường thì làm sao mà có hiệu quả cao, làm sao đòi hỏi phục vụ như Tây, như Mỹ được, vậy mà cứ so sánh.

Tôi không nhớ rõ thời gian, có lẽ khoảng năm 2003, một người Việt Nam đi sang Mỹ bị chấn thương gãy cột sống, được mổ cố định nẹp vít. Sau 3 ngày chi phí lên đến 105.000 USD. Không có tiền trả, người bệnh bị trục xuất về Việt Nam. Năm 2005, tôi được biết một trường hợp mổ u não tại Đại học Michigan bị biến chứng (sau đó được biết là do bệnh nhân ở giai đọan cuối của AIDS), mới có chưa đến 2 tuần với 3 cuộc mổ, chi phí đã lên đến trên 1 triệu đôla Mỹ.

Cái giá thực sự của y tế Mỹ: tổng chi phí cho một ca mổ ruột thừa: 55.029,31 USD, 2 giờ tiền phòng hồi tỉnh: 7.501 USD, tiền công mổ: 16.277 USD, công gây mê: 4.562 USD, công chích tĩnh mạch: 1.658 USD, thuốc và chi phí tiêu hao: 4.628,75 USD…

Với tiền công cho một ca mổ trung phẫu và các công kèm theo (gây mê, chích tĩnh mạch) như vậy, làm sao mà không làm vừa lòng người bệnh được. Còn cái xã hội nửa thị trường của chúng ta trong khi mọi thứ đều lên giá được, mọi thứ đều thị trường được, duy chỉ có chi phí y tế vì cái chữ "nhân đạo" là không được lên giá. Chẳng ai dám quyết định đưa chi phí y tế về gần với giá thực của nó, chỉ ra sức hô hào, bắt buộc nhân viên y tế phải như “mẹ hiền”.

Đồng ý là chi phí y tế ở Mỹ là quá cao, lợi nhuận của ngành y tế của Mỹ là quá lớn. Thế nhưng chi phí ở Việt Nam phải bằng 1/5, hay chí ít thì cũng 1/10 so với  nó thì mới hợp lý. Mọi người cứ hô hào bác sĩ Việt Nam phải nghiên cứu khoa học, phải có báo cáo tầm cỡ quốc tế… thời gian đâu mà làm. Mổ hàng vài trăm ca siêu phẫu mới được bồi dưỡng ngang bằng mổ một ca ruột thừa. Còn phải phòng mạch, cơm, áo, gạo, tiền… thì làm sao mà thống kê, mà báo cáo.

Ông bà ta có câu: “Có thực mới vực được đạo”, ông Marx cũng có nói “vật chất quyết định ý thức”, thế mà cái nền kinh tế thị trường định hướng theo ông Marx lại bảo là cứ làm mẹ hiền đi. Trong cơn bão chạy theo vật chất của cái xã hội thị trường, cái nửa mang tên định hướng ấy đang đè lên dạ dày và lương tâm của những nhân viên y tế, càng ngày càng bóp chặt trái tim của những “mẹ hiền”.
Võ Xuân Sơn - Vnexpress
Read more...

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Nhớ một bác sĩ tài hoa! - TS. BS. Nguyễn Minh Hải - trưởng khoa ngoại tiêu hoá BV Chợ Rẫy TPHCM đã mất cách đây 4 năm

08:57 0

Tôi xin mượn lời đoạn kết của bài “Bác sĩ nước ngoài học phẫu thuật nội soi tại Việt Nam” được đăng trên báo Sài Gòn giải phóng đúng vào ngày Thầy thuốc năm 2010 để chia sẻ về nhiệt huyết, lòng quyết tâm và tự hào của một người bác sĩ tài hoa trong ngành ngoại khoa Việt Nam: “Để có được những “lần đầu tiên” như thế, TS. Nguyễn Minh Hải lý giải, chính việc các bác sĩ được học tập chuyên sâu ở nước ngoài, cộng với sự khéo léo của người VN đã đem lại thành công bước đầu cho bộ môn phẫu thuật nội soi. TS Hải ví von: “Có lẽ người VN dùng đũa quen nên khi cầm 2 “cây đũa dài” để cắt, đốt bệnh phẩm trong người bệnh nhân rất thuần thục. Những điều đặc biệt này khiến các bác sĩ ở những nước có nền y học khá phát triển đã tìm sang VN học phẫu thuật nội soi nâng cao. Nhưng đó không phải là lớp học trao đổi, giao lưu như thường lệ mà người học phải tốn học phí để học kỹ thuật y học từ VN. Đó là cả một niềm tự hào…”.

Mờ sáng hôm ấy, đang vật vờ sau đêm mất ngủ, bỗng nhận được cuộc điện thoại từ Bệnh viện Chợ Rẫy báo tin bác sĩ Nguyễn Minh Hải – Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa đã ra đi, tôi cứ ngỡ bạn bè đùa giỡn, bởi lẽ cái dư âm của ngày Cá tháng tư tới hôm ấy vẫn chưa xa. Thế nhưng sau khi gọi điện thoại lại cho một số anh em trong khoa thì đúng là không ngờ thật, anh Hải của chúng tôi đã ra đi vĩnh viễn… Nhanh quá… đời người không thể nào biết được... Trước ngày anh mất độ 1 tuần, anh còn  điện thoại cho tôi hẹn gặp nhau ở Maryland vào giữa tháng 4/2010 tại Hội nghị phẫu thuật nội soi quốc tế, nơi mà anh có tới 2 bài báo cáo tham luận. Anh còn vô tư chia sẻ với tôi dự án thành lập Trung tâm đào tạo phẫu thuật nội soi mang tầm cỡ quốc tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy đang được Bộ Y tế phê duyệt cùng biết bao dự định cho những kỹ thuật, phẫu thuật mới cần phải cập nhật ở nước ngoài để áp dụng cho Việt Nam. Vậy mà...
TS. Nguyễn Minh Hải - người đứng thứ 4  từ bên phải sang (hình chụp khi đi tham quan Bệnh viện & Đại học Tsukuba - Nhật Bản).
Tôi quen anh một cách tình cờ trong công việc cách đây khoảng 10 năm. Khi ấy, việc phẫu thuật nội soi cho các bệnh nhân ung thư đại trực tràng, dạ dày, thực quản… ở Việt Nam còn rất mơ hồ và số ca được thực hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi thiết bị hỗ trợ cho từng ca mổ được cho là quá tốn kém. Sau nhiều lần tham gia hội nghị, học tập ở nước ngoài, được tiếp cận với phương pháp phẫu thuật này, Nguyễn Minh Hải đã mạnh dạn áp dụng cho bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Cùng với đó là việc phải chạy vạy tới từng hãng dược phẩm, từng công ty thiết bị y tế để xin tài trợ cho bệnh nhân, vì hầu hết những bệnh nhân của anh đều hết sức khó khăn, nhất là với phương pháp điều trị mới mẻ như vậy. Và những cố gắng của anh đã đem lại cuộc sống cho không ít người, đem lại niềm vui cho không ít gia đình... Những lúc cùng anh đi dự hội nghị ở nước ngoài hay đi mổ ở các tỉnh, sau những cuộc lang thang trò chuyện đến tận sáng, anh đã chia sẻ với tôi những tâm sự, những suy tư về ngành phẫu thuật nội soi ở Việt Nam. Mặc dù khi đó kỹ thuật này ở ta chưa theo kịp với các nước trong khu vực, nhưng trong suy nghĩ của anh, cuối cùng lúc nào cũng là câu: “Anh tin rằng 5 năm sau phẫu thuật nội soi ở Việt Nam sẽ đi đầu trong khu vực Đông Nam Á…”.

Anh đã từng nghĩ như thế, và đúng thật, chỉ 5 năm sau, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chính anh cùng với các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đồng nghiệp và thế hệ đàn em ở cái lầu 4 của bệnh viện này đã đào tạo được hơn 150 bác sĩ, phẫu thuật viên cho các nước: Australia, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thailand, Ấn Độ, Lào, Campuchia… Họ sang Việt Nam chỉ để học về phẫu thuật nội soi, điều mà trước đó không đâu và không ai dám nghĩ đến...

Đi sau nhưng về trước trong phát triển kỹ thuật mổ nội soi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kể từ ca nội soi cắt túi mật đầu tiên vào năm 1987, phẫu thuật nội soi với sự can thiệp tối thiểu ngày càng trở thành nhu cầu và xu hướng ở hầu hết các trung tâm y khoa trên thế giới. Ở Việt Nam, đến năm 1993, phẫu thuật cắt túi mật nội soi được thực hiện lần đầu tại Khoa ngoại tổng quát của Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ đó đến nay, các kỹ thuật phức tạp, “khó nuốt” như cắt thực quản qua nội soi, cắt dạ dày và nạo hạch, cắt đại trực tràng lấy qua đường tự nhiên, lấy thận ghép… còn khá mới với một số nước nhưng ở Việt Nam, nhiều bệnh nhân của Khoa ngoại tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy đã được điều trị bằng phương pháp này. Thậm chí có vị bác sĩ nước ngoài sau khi chứng kiến ca mổ cắt toàn bộ đại trực tràng bằng nội soi, lấy bệnh phẩm qua đường hậu môn của kíp mổ do anh phụ trách đã phải thốt lên: “Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến ca phẫu thuật như thế này…”.
Người đứng chính giữa phía trước (trong một buổi hướng dẫn cho sinh viên các nước trong lớp phẫu thuật nội soi).
Đã một năm trôi qua, những cuộc hội tụ anh em bác sĩ ở cái lầu 4 của Bệnh viện Chợ Rẫy vào mỗi chiều thứ bảy lại không có anh với cái dáng mảnh khảnh, hiền lành và những câu chuyện lúc nào cũng chỉ xoay quanh công việc và công việc… đến nỗi lúc nào cũng được mọi người nhắc nhở: “Không được bàn về công việc trong ngày nghỉ!”... và để đến lúc bên ly rượu, lại tha hồ được nghe anh kể về khoảng đời anh đi lính ở chiến trường K với bao gian truân, bao cách xử lý cấp thiết với thiết bị thiếu thốn chỉ để bảo tồn tính mạng đồng đội… nhưng cũng chính từ đó anh đã học được rất nhiều với đức tính kiên trực, mạnh dạn dám nghĩ dám làm và hết lòng tận tụy vì người bệnh…
Sáng hôm anh vừa mất, tại Nhà tang lễ của Bệnh viện Chợ Rẫy, biết bao đồng nghiệp như không tin vào sự thật và ai cũng thật sự bàng hoàng như lời của PGS.TS. Trương Văn Việt (nguyên Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy) đã rướm lệ và thảng thốt bên thi hài của một bác sĩ tài hoa mà bạc mệnh...
Tôi chợt thấy hụt hẫng như mất đi một điều gì sâu lắng nhất… Hôm sau đưa tiễn anh về nghĩa trang Đa Phước, con đường về của tôi bỗng thật dài, lòng bỗng buồn da diết. 49 tuổi qua thật nhanh, cuộc đời quá ngắn ngủi để yêu thương, làm việc và cống hiến với biết bao dự định cho tương lai!
… Chiều nay, một số anh em trong viện hẹn cùng nhau qua nhà anh chuẩn bị cho cái giỗ đầu tiên, bỗng thấy tâm trạng nặng nề đến lạ, cứ hụt hẫng, nằng nặng thật khó tả... Tôi không nghĩ mình lại có thể có cảm giác buồn đau đến thế. Loay hoay trên máy tính và mấy thùng đồ cũ, tôi tìm lại tất cả những tấm hình đã lưu giữ về anh trong những chuyến đi hội nghị trong và ngoài nước, đi mổ cùng anh ở các tỉnh thành trong cả nước… cách đây đã gần 6 năm rồi, để vào một ngăn riêng - Từng cái thẻ nhớ được đưa vội vào máy, rê con chuột cứ chơi vơi, đôi lúc chần chừ như lúng túng, cứ nhìn anh trong những tấm ảnh là tôi lại khóc. Tôi không nghĩ cảm giác mất đi một người bạn, một người anh, một người đồng nghiệp lại đau đến thế...      
  Ths.Bs. NGUYỄN ÐÌNH TUẤN - Sức khỏe đời sống

Vĩnh biệt Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Minh Hải - Một chuyên gia phẫu thuật nội soi tài hoa. Nhận được tin nhắn “bác Hải khoa Ngoại tiêu hóa (TS-BS Nguyễn Minh Hải, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa - BV Chợ Rẫy) mất tối qua rồi”, tôi không thể tin vì BS Hải vừa tiến hành một ca phẫu thuật. BS vẫn làm việc bình thường, còn vui vẻ căn dặn anh em đủ điều trước khi ra về. Vậy mà BS lại ra đi đột ngột sau cơn nhồi máu cơ tim”, BS Hùng của khoa Ngoại tiêu hóa vẫn như chưa tin vào sự thật khi nói với chúng tôi.

10 giờ ngày 2-4-2010, khoa Ngoại tiêu hóa của BV Chợ Rẫy đã đông nghịt bệnh nhân như thường ngày nhưng cửa phòng Trưởng khoa vẫn im ỉm. Không khí lặng lẽ bao trùm lên buổi làm việc của các y bác sĩ, họ đã vĩnh viễn mất đi một người anh tài giỏi, bệnh nhân sẽ không còn thấy dáng đi tất bật của vị bác sĩ trưởng khoa.

Nếu không phải vào phòng mổ, anh Hải cũng chẳng chịu ngồi im một chỗ, cứ tất bật chạy tới lui thăm bệnh, lên lớp dạy... Nhưng từ đây hình ảnh đó không còn nữa”, một điều dưỡng nghẹn ngào nói. Và từ đây, BV Chợ Rẫy vĩnh viễn mất đi một BS giỏi, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ngoại tiêu hóa.

Tại nhà vĩnh biệt của BV Chợ Rẫy, các bác sĩ, điều dưỡng không kiềm được nước mắt trước thi hài của người đồng nghiệp. Giới y khoa trong nước không thể quên lần đầu tiên BS Nguyễn Minh Hải giới thiệu cắt thực quản tạo hình bằng đại tràng trái qua nội soi giúp bệnh nhân có thể ăn uống qua đường miệng sau 20 năm nhịn ăn vì thực quản teo và tắc nghẽn. Giờ đây, người bệnh đã khỏe mạnh xuất viện còn người thầy thuốc ấy sẽ chỉ còn lại trong ký ức của nhiều người.

TS-BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, xót xa nói: “BS Minh Hải vừa là một người bạn thân thiết, một đồng nghiệp đáng quý bởi tinh thần hăng say với nghề nghiệp, chịu khó học hỏi để nâng cao chuyên môn. Là một chuyên gia hàng đầu, uy tín của phẫu thuật nội soi trong nước lẫn quốc tế, anh đã góp phần đào tạo một đội ngũ bác sĩ kế cận vững về chuyên môn lẫn y đức”.

Người Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Minh Hải đã ra đi đột ngột khi anh còn hăng say với những dự định công việc còn dang dở, nhiều công trình nghiên cứu về phẫu thuật nội soi, dạy kỹ thuật nội soi nâng cao cho BS nước ngoài… BS Hải đã bao lần dùng “đôi đũa” nội soi giành lại sự sống khỏe mạnh cho người bệnh nhưng anh đã không chiến thắng được số mệnh của mình.

Xin vĩnh biệt người bác sĩ luôn tận tâm, tận tụy và tận hiến với nghề!

Báo SGGP (2/4/2010)
Read more...

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Tự phòng bệnh thủy đậu là bảo vệ trẻ ngoài vaccine

09:17 0
Tự phòng bệnh thủy đậu là bảo vệ trẻ ngoài vaccine

Cùng với bệnh sởi, bệnh thủy đậu đang hoành hành tại một số địa phương. Khi bệnh xuất hiện, nhiều bậc cha mẹ mới hoảng hốt cho con đi tiêm phòng, nhưng hiện vaccin phòng bệnh này đang rất thiếu do cầu vượt quá cung. Theo các chuyên gia, vaccin là biện pháp phòng bệnh tốt nhất, nhưng trong thời điểm đang có dịch thì việc cần thiết lúc này là cha mẹ phải biết cách phòng bệnh cho trẻ. Ghi nhận của PV báo SK&ĐS trên địa bàn Hà Nội.

Có mặt tại điểm tiêm chủng của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, 70 Nguyễn Chí Thanh, dù trời đang mưa nhưng anh Nguyễn Văn Đông ở thị trấn Sóc Sơn, Hà Nội vẫn đưa con đến để tiêm phòng. Anh Đông cho biết, nghe nói bệnh thủy đậu và bệnh sởi đang lây lan ở khu vực Hà Nội, nguy cơ thành dịch lớn, bọn trẻ nhà anh đứa lớn 5 tuổi, đứa bé hơn 2 tuổi chưa tiêm phòng mũi thủy đậu nào. Nhưng xuống đến nơi mới biết đã hết vaccin ngừa thủy đậu. “Mặc dù đã hết vaccin thủy đậu, nhưng đã xuống đến đây rồi tôi cứ cho các cháu ở đây để xem bác sĩ tư vấn tiêm phòng được mũi nào thì cho con tiêm mũi đó, biết thế này cho con đi tiêm phòng từ sớm”, anh Đông chia sẻ. Còn chị Nguyễn Thị Mỹ, ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, cũng lặn lội đi xe máy từ Long Biên sang điểm tiêm chủng vaccin của Trung tâm Kiểm dịch y tế Hà Nội ở số 4 Sơn Tây để tiêm nhắc lại cho con. Chị Mỹ cho biết, mặc dù con đã tiêm ngừa mũi 1 nhưng nghe nói cháu vẫn có thể bị mắc nên đã cho con đi tiêm nhắc lại, nhưng không may lại hết vaccin. Theo ghi nhận của chúng tôi tại hai điểm tiêm vaccin trên, nhiều bậc cha mẹ cũng đến hỏi về việc tiêm ngừa vaccin thủy đậu. Tại đây, tuy chưa được tiêm vaccin nhưng các phụ huynh cũng được nhân viên y tế giải thích rõ ràng: Hiệu lực phòng bệnh của vaccin tốt nhất là sau tiêm 2 tuần. Trong thời điểm này, nếu trẻ đã có tiếp xúc với nguồn lây thì tiêm vaccin cũng không có tác dụng. Vì vậy, việc cần làm là phòng bệnh cho trẻ, tránh tiếp xúc với nguồn lây...

Sáng 23/2, trả lời báo Sức khỏe&Đời sống, TS. Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội xác nhận, tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đã hết vaccin phòng thủy đậu. Sở Y tế Hà Nội đã nắm được thông tin và đã đặt hàng với nhà cung cấp cũng như Bộ Y tế, đảm bảo có lượng vaccin đáp ứng nhu cầu tiêm phòng. Trong thời gian sớm nhất khi có vaccin sẽ phân phối đến tất cả các điểm tiêm chủng trên địa bàn. Tuy nhiên, cũng theo TS. Hạnh, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho các loại virut phát triển mạnh và dễ lây lan, trong đó có virut gây bệnh thủy đậu. Trong tình hình thiếu vaccin tiêm ngừa thủy đậu, cách phòng bệnh tốt nhất là vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng, đặc biệt là rửa tay trước khi ăn, hạn chế tiếp xúc với người có bệnh; che miệng, mũi khi hắt hơi, ho; không khạc nhổ bừa bãi ra môi trường... Đối với những người bị mắc thủy đậu, cần được chăm sóc và có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nhất là với trẻ nhỏ nhằm giúp người bệnh gia tăng sức đề kháng cơ thể, mau chóng khỏi bệnh, phục hồi sức khỏe tốt, tránh ra chỗ đông người để lây lan ra cộng đồng.

Nguyễn Tuệ - suckhoedoisong
Read more...

Phun thuốc cực độc sản xuất... rau an toàn

09:12 0
rau-sạch, trồng-rau, rau-an-toàn, làng-rau-vân-nội, thực-phẩm, tiêu-dùng, bà-nội-trợ, mua-sắm


Ở Vân Nội - một trong những vùng chuyên canh rau lớn nhất Hà Nội - thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại vẫn được chuộng còn các chính sách hỗ trợ có vấn đề.

Xã Vân Nội (huyện Đông Anh) là một trong những vùng rau chuyên canh lớn nhất Hà Nội. Đây là một trong nhưng mô hình TP Hà Nội kỳ vọng có thể thay thế thuốc BVTV hóa học bằng thuốc sinh học, giảm độ độc hại cho người tiêu dùng. Thực tế lại không phải vậy. Thuốc BVTV độc hại vẫn được chuộng còn các chính sách hỗ trợ có vấn đề.

Kể từ khi khoác lên mình "chiếc áo" rau an toàn, những nông dân ở xã Vân Nội cực kỳ cảnh giác với người lạ. Đã có khá nhiều thông tin phản ánh nông dân vùng rau này sử dụng thuốc BVTV độc hại, thuốc kích thích sinh trưởng trên các loại rau chỉ vài ba ngày là có thể thu hoạch rồi cung cấp cho các đại lý RAT… Thành thử rất khó để bắt chuyện với người trồng rau nếu có dấu hiệu khả nghi.
rau-sạch, trồng-rau, rau-an-toàn, làng-rau-vân-nội, thực-phẩm, tiêu-dùng, bà-nội-trợ, mua-sắm
HTX rau an toàn dùng thuốc cực độc

Thôn Đầm là vùng chuyên canh rau lớn của xã Vân Nội. Những nông dân mà chúng tôi gặp đều một hai khẳng định họ dùng thuốc BVTV sinh học hết rồi. Đại loại như để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tuân thủ khuyến cáo của các cơ quan chức năng… Tất cả đều nói theo bài cứ như thể đã được quán triệt từ trước.

Vậy mà khi tôi vào vai một nhân viên đi tiếp thị thuốc BVTV sinh học, nhiều nông dân trồng rau lắc đầu nguầy nguậy: Thuốc sinh học khó bán lắm, phun nhiều, giá thành cao, sâu lại lâu chết.

Đến như Chủ nhiệm HTX sản xuất tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông nghiệp an toàn xã Vân Nội, ông Trần Văn Mây cũng thừa nhận: Dù trồng rau an toàn thật đấy, nhưng cứ phải dùng cả thuốc sinh học lẫn hóa học tưới thì mới... an toàn. Thôn Đầm có khoảng hơn chục ha trồng rau an toàn. Ông Mây nói rằng thuốc sinh học dùng cũng nhiều nhưng với một số loại như bọ nhảy và sâu đất thì chỉ có thuốc hóa học trị là tốt nhất.

Những loại thuốc BVTV có độ độc cao, vạch màu vàng đang thịnh hành ở vùng rau an toàn này là Marshal, Peran, Cóc chúa… Mặc dù rất cố gắng thể hiện ruộng nhà mình đang sử dụng thuốc BVTV sinh học nhưng nhiều nông dân sản xuất rau an toàn ở thôn Đầm lại thừa nhận những loại thuốc hóa học như Peran, Marshal, Cóc chúa… diệt sâu, diệt bọ nhảy nhanh và hiệu quả hơn nhiều so với những loại thuốc khác.
rau-sạch, trồng-rau, rau-an-toàn, làng-rau-vân-nội, thực-phẩm, tiêu-dùng, bà-nội-trợ, mua-sắm
Các sản phẩm thuốc BVTV nông dân Đông Anh được trợ giá

“Đa số các vùng rau đều nhiều sâu bệnh. Đặc biệt là các loại sâu đất, sâu ổ, nếu dùng thuốc sinh học thì lâu chết, có khi cũng chẳng biết chết hay không. Thành thử để cho chắc ăn thì phải mua thuốc khác cộng vào”, một nông dân ở thôn Đầm khẳng định với tôi như vậy.

Đi vòng quanh một vùng rau an toàn khác ở Vân Nội là thôn Đông, thực trạng sử dụng thuốc BVTV hóa học cũng diễn ra tương tự. Hầu hết nông dân đều thừa nhận, họ vẫn đang phải dùng thuốc hóa học để phun, tưới cho vùng rau an toàn. Mặc dù sau khi sử dụng, hầu hết bao bì thuốc BVTV được thu gom để tiêu hủy. Nhưng lác đác ở một vài nơi vẫn còn vỏ các sản phẩm có độ độc cao.

Trả lời PV NNVN, Trạm trưởng Trạm BVTV Đông Anh Đinh Văn Thảo thẳng thắn thừa nhận: Để xảy ra sai sót trong quản lý thuốc BVTV là không thể tránh khỏi. Có những hộ nông dân lén lút dùng thuốc hóa học, cách ly chỉ ít ngày là bán. Những loại thuốc BVTV mà nông dân ở các vùng RAT đang dùng như Marshal, Peran... là thuốc hóa học cực độc. "Chúng tôi không khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc hóa học nhưng không thể loại trừ được", ông Thảo thừa nhận.

Nguyên nhân, theo ông trạm trưởng này là do tâm lý người dân đang chuộng các loại thuốc có độ độc cao. Thuốc càng độc hiệu quả càng tốt. Thậm chí, năm vừa rồi cơ quan chức năng còn bắt được một vụ buôn bán thuốc BVTV Trung Quốc cực độc ở ngay trong vùng RAT Vân Nội. Mặt khác, diện tích còn manh mún, chưa tập trung thành vùng bài bản nên khó quản lý.

Dân mang thuốc BVTV trợ giá đi nhờ bán

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để giúp người trồng rau an toàn ở Vân Nội hướng đến sử dụng thuốc BVTV sinh học, huyện Đông Anh đã ký cam kết về chính sách trợ giá với Công ty Sản phẩm công nghệ cao (HTP), địa chỉ ở số 6 Bắc Thăng Long (Đông Anh, TP Hà Nội) để cung ứng thuốc BVTV sinh học cho nông dân. Thế nhưng hiệu quả của chương trình này khiến nhiều người nghi ngờ về mức độ minh bạch của những người thực hiện chính sách.

Bà L, chủ một đại lý kinh doanh thuốc BVTV ở trung tâm xã Vân Nội tiết lộ với tôi rằng, có nhiều nông dân mang sản phẩm thuốc BVTV trong chương trình trợ giá đến cửa hàng bà bán hoặc gửi bán. “Họ nói với tôi là thuốc trợ giá gần như không có tác dụng vì phun lên rau sâu không chết. Thậm chí phun nhiều lần rau chết sạch còn sâu vẫn sống nhăn răng ra đó. Ban đầu họ chửi đại lý, sau phát hiện ra nguyên nhân do thuốc trợ giá nên nhiều nhà bán hoặc vứt xó chứ không dùng”, bà L khẳng định.

Số thuốc người dân mang ra gửi bán ở đại lý bà L có tên là SUSUPES 1.9EC do Công ty Sản phẩm công nghệ cao HTP đăng ký và phân phối. Trên bao bì sản phẩm này ghi rõ: Thuốc trừ sâu sinh học. Thành phần: Emamectin benzoate 1,9% w/w, chất phụ gia 98,1% w/w.

Cũng ở một đại lý thuốc BVTV khác trong trung tâm xã Vân Nội, ông chủ tên H nói rằng có nhiều nông dân gửi thuốc trong chương trình trợ giá nhờ ông bán nhưng ông không dám vì sợ phun thuốc sâu mà rau chết thì người ta chửi. Mà cũng chẳng ai dại gì đi mua. Đành phải chờ đến vụ lúa, cộng linh tinh vào thì may ra mới có người mua.

Để kiểm chứng thực trạng nông dân gửi thuốc BVTV được trợ giá nhờ đại lý bán vì không hiệu quả, chúng tôi đã làm một cuộc điều tra ở cánh đồng sản xuất rau an toàn ở thôn Đông và có thể khẳng định là có thực trạng ấy.

Đang lúi húi thu hoạch rau cải, khi nghe nhắc đến thuốc BVTV được trợ giá, hai vợ chồng tên Tuấn Vẻ dừng tay thay nhau tố cáo. Anh chồng thì nói thuốc trừ sâu sinh học kiểu gì mà phun cháy cả su hào. Cả đám su hào nhà tôi gần bán, phun thuốc vào tự nhiên cháy rực như thể bị người ta đốt. Còn chị vợ lắc đầu ngán ngẩm: Có trợ giá thì cũng trợ giá loại thuốc nào cho có chất lượng. Còn mấy loại thuốc này chẳng ai dám phun, nhà tôi còn vứt đống ở nhà kia kìa.

Tôi theo chân vợ chồng Tuấn Vẻ về nhà. Đúng là mấy sản phẩm thuốc BVTV của Công ty Sản phản phẩm công nghệ cao HTP vứt đống không dùng thật. Đó là hai sản phẩm Kuraba WP và Aizabin. Cả hai sản phẩm này đều có mẫu mã bao bì rất đẹp, kèm theo những lời giới thiệu cực kỳ hấp dẫn như: Thuốc lý tưởng cho sản xuất rau quả an toàn, hay Vì nền nông nghiệp sạch. Nhưng anh Tuấn bảo: Phun vào hỏng hết rau. Chả biết người ta trợ giá kiểu gì, hình như là thuốc hết hạn sử dụng, thuốc kém chất lượng mới mang về phát cho dân dùng hay sao ấy.

Thế sao không phản ánh với chính quyền hay công ty? “Kêu rồi, phản ánh rồi, nhưng người ta bảo là thuốc cho không mất tiền thì đừng có mà đòi hỏi, rau chết thì phải chịu thôi”, Tuấn trả lời câu hỏi của tôi như thế.

Vợ chồng Tuấn Vẻ làm 4 sào rau. Sau mấy lần thất bát vì "sâu không chết rau lại chết" họ cạch luôn thuốc trợ giá, quay lại với các loại thuốc BVTV hóa học như Marshal, Cóc chúa, Peran... Chắc chắn không chỉ gia đình họ mà phần lớn nông dân khác đều như vậy. Chủ nhiệm Trần Văn Mây thậm chí còn chẳng thèm nhớ thuốc trợ giá tên là gì dù mỗi năm được nhận vài lần. Ông Mây khẳng định: "Ở vùng RAT này Cóc chúa bán được, dân tin dùng, ưa chuộng nhất".

Chất lượng các sản phẩm thuốc BVTV được trợ giá ở huyện Đông Anh đúng là có vấn đề. Không chỉ riêng vùng rau mà ở nhiều vùng lúa nông dân cũng nhận thuốc về vứt xó rồi đi mua thuốc khác dùng.

Bà T, chủ một đại lý thuốc BVTV ở xã Dục Tú giải thích: Thuốc trợ giá toàn bị nông dân chê. Từ thuốc diệt chuột, diệt ốc, trừ sâu... cho người ta chả buồn lấy. Phun đúng theo hướng dẫn thì sâu cuốn lá trắng xóa, không chết, thậm chí phun vào lúa cháy chẳng khác gì bị đốt.

Bà T mang ra hai sản phẩm thuốc diệt chuột RANPART và thuốc trừ sâu ALOCBALE 40EC do Công ty công nghệ cao HTP sản xuất. Đó là những sản phẩm cực độc, vạch màu vàng nhưng hầu như dân chẳng ai mặn mà.

Theo NNVN
Read more...

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

PHƯƠNG PHÁP PHẪU THUẬT CỘT SỐNG ÍT XÂM LẤN

09:55 0

- Vừa qua tại Tp.HCM và Hà Nội đã diễn ra Hội thảo về “ Phương pháp Phẫu thuật cột sống ít xâm lấn” được trình bày bởi Bác sĩ y khoa Verapan Kuansongtham.
- Với phương pháp phẫu thuật cột sống ít xâm lấn, mổ nội soi, vết mổ chỉ rộng khoảng 8mm, bệnh nhân ít bị đau, ít bị tổn thương đến các mô xung quanh, khả năng hồi phục nhanh và có thể về nhà trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật.
- Bệnh viện Bumrungrad hiện đang sử dụng phương pháp phẫu thuật tiên tiến này. Với một vết rạch nhỏ, đủ để đưa một thấu kính đến vị trí cần phẫu thuật, các bác sĩ sẽ xác định rõ ràng và chính xác các tổn thương. Điều này cho phép bác sĩ tiếp cận với dây thần kinh được nén mà không gây chấn thương các mô xung quanh. Các thiết bị phục vụ cho phương pháp phẫu thuật này được một nhà sản xuất dụng cụ y tế chất lượng cao, có đẳng cấp thế giới tại Đức sản xuất. Đó là Công ty thiết bị y tế Richard Wolf. Tại Đức, công nghệ này đã được sử dụng để chữa trị cho hơn 10.000 bệnh nhân tại Bệnh viện St Anna. 
- Bác sĩ y khoa Verapan Kuansongtham - hiện là Trưởng khoa khám và điều trị các bệnh về cột sống -Bệnh viện quốc tế Bumrungrad Thailand.Ông là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới trong phẫu thuật cột sống bằng phương pháp nội soi. Đây là một phẫu thuật ít xâm lấn, ít gây đau và bình phục nhanh nhất trong điều trị đau lưng mãn tính . Ông cũng tham gia các khóa đào tạo cho các bác sĩ chuyên về phẫu thuật cột sống tại Mỹ, Đức, Thái Lan và một số nước Châu Á.

Cũng tại Bệnh viện Bumrungrad, các bệnh liên quan đến cột sống được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nội soi như:

- Thoát vị đĩa đệm đốt sống thắt lưng. Đây là một bệnh đau lưng thường gặp ở cả nam và nữ và ở mọi lứa tuổi.
- Đau thắt lưng do hẹp ống tủy. Đây là chứng bệnh thường gặp ở người già.
- Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ. Riêng đối với thoát vị đĩa đệm bị thoái hóa và vỡ ra, Bệnh viện Bumrungrad đã sử dụng đĩa đệm nhân tạo để thay thế. Đĩa đệm nhân tạo này có thể giúp bệnh nhân cúi xuống dễ dàng và cho phép bệnh nhân cử động như đốt sống tự nhiên.

Đôi nét về Bác sĩ Verapan Kuansongtham
- Bác sĩ y khoa Verapan nhận bằng y khoa tại Bệnh viện Ramathibodi, Thái Lan. Ông nhận tấm băng danh dự này từ Hội đồng giải phẫu thần kinh Thái Lan. Ông cũng đã hoàn thành các khóa học có học bổng về phẫu thuật nội soi cột sống tại  bệnh viện St Anna Herne, Đức; 
- Phẫu thuật phình động mạch đáy não tại Bệnh viện đa khoa Allegheny, Pittsburgh, Pennsylvania; Phẫu thuật đáy não  tại Bệnh viện Nordstadt, Hannover, Đức; và phẫu thuật thần kinh ít xâm lấn tại Bệnh viện Đại học Mainz, Đức.
- Với cương vị Trưởng khoa khám và điều trị các bệnh về cột sống – Bệnh viện Bumrungrad, Bác sĩ Verapan và các cộng sự của ông đã và đang điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân đến từ nhiều nước trên thế giới. Không chỉ trực tiếp điều trị, ông còn trực tiếp đào tạo về phương pháp phẫu thuật nội soi thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ cho các bác sĩ đến từ các nước.
- Cùng với Bác sĩ Ruetten đến từ nước Đức, Bác sĩ Verapan còn tổ chức các hội thảo về chyên đề này vào tháng 1 và tháng 6 hàng năm. Có thể nói, các hội thảo này  đã rất thành công bởi  không chỉ có bác sĩ phẫu thuật của Thái Lan mà còn có sự tham dự của các bác sĩ đến từ Hồng Kông, Malaysia, Hàn Quốc và Ấn Độ . Đây cũng được coi là hình thức đào tạo và  phổ biến kỹ thuật mới  trong phẫu thuật cột sống tại Châu Á.


Khoa khám và điều trị các bệnh về cột sống tại Bệnh viện Bumrungrad

- Khoa khám và điều trị các bệnh về cột sống của bênh viện Bumrungrad có đội ngũ bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật thần kinh, chuyên viên trị liệu và vật lý trị liệu. Các phẫu thuật mà chúng tôi thường gặp và tiến hành điều trị cho bệnh nhân bao gồm:  thoát vị đĩa đệm đốt sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, hẹp ống tủy, chèn ép dây thần kinh, thay thế đĩa đệm nhân tạo.
- Bên cạnh đó, khoa cũng áp dụng liệu trình điều trị ngoại trú cho các bệnh nhân chưa cần thiết phải tiến hành phẫu thuật thông qua các dịch vụ như: Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.
- Triết lý trong điều trị tại Bệnh viện Bumrungrad là thận trọng: Mọi y, bác sĩ của bệnh viện cần tìm tòi phương pháp điều trị không cần phẫu thuật cho bệnh nhân trước, trước khi buộc phải phẫu thuật. Lợi ích của bệnh nhân phải được đặt lên hàng đầu: làm sao cho bệnh nhân ít đau đớn nhất, hồi phục nhanh nhất ngay cả khi buộc phải tiến hành phẫu thuật.

Bệnh viện Quốc tế Bumrungrad
• Là một trong những bệnh viện tư nhân lớn nhất ở Đông Nam Á, với hơn 500 giường và 18 phòng mổ.
• Là Bệnh viện châu Á đầu tiên nhận được chứng chỉ của Hoa Kỳ về tiêu chuẩn chất lượng y tế  Joint Commission International (JCI) vào năm 2002
• Là Bệnh viện được trang bị tiện nghi, với 1.200 y bác sĩ đại diện tất cả các chuyên khoa.
• Áp dụng Công nghệ tiên tiến như chụp CT cắt 64 lớp, xạ trị hình ảnh có hướng dẫn, phòng thí nghiệm tự động Beckman Coulter  cho kết quả nhanh và độ tin cậy cao.
• Là một trong những địa điểm y tế được ưa thích nhất trên thế giới: hơn 500.000 bệnh nhân quốc tế đến khám và điều trị tại bệnh viện quốc tế  Bumrungrad International, năm 2012.

Để yêu cầu hoặc đặt hẹn, xin vui lòng liên hệ với Văn phòng của chúng tôi tại Việt Nam, đường dây nóng: 0904468689. Mọi dịch vụ tư vấn tại Văn phòng Bumrungrad Việt Nam đều được cung cấp miễn phí.
(Nguồn BV Bumrungrad)



Read more...

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Thuốc "dỏm": Uống rồi đành chịu!

00:53 0
Thuốc kém chất lượng bị đình chỉ lưu hành ngày càng tăng, trong đó nhiều loại khi bị đề nghị thu hồi đã được bệnh nhân dùng hết. Các đơn vị, cá nhân liên quan vô can trong khi bệnh nhân lãnh đủ, ngay cả việc bồi thường cũng chưa ai tính đến

Mỗi năm, Việt Nam có hàng trăm mặt hàng tân dược kém chất lượng phải thu hồi và tiêu hủy. Các loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng rất đa dạng, gồm cả thuốc nội lẫn thuốc nhập khẩu; từ kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, corticoid, giảm béo, đau dạ dày, tim mạch, đái tháo đường, tuần hoàn não đến các loại vitamin, đông dược...Thu hồi trên... giấy

Dù số thuốc kém chất lượng bị phát hiện phải thu hồi hoặc đình chỉ lưu hành do không đạt các tiêu chuẩn tăng một cách đáng lo ngại nhưng việc thu hồi thế nào, số lượng được bao nhiêu... vẫn không thấy cơ quan chức năng công bố. Theo quy định, sau khi kiểm nghiệm và phát hiện thuốc kém chất lượng, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế hoặc sở y tế các địa phương phải gửi công văn tới doanh nghiệp, bệnh viện và nhà thuốc yêu cầu thu hồi. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều loại thuốc trước khi có lệnh thu hồi đã được tung ra thị trường, đến các cơ sở khám - chữa bệnh, được bác sĩ kê đơn và bệnh nhân đã sử dụng sạch.



Bệnh nhân hầu như không có thông tin gì về chất lượng các loại thuốc mà họ mua dùng

Trong khi đó, việc ra quyết định thu hồi thuốc kém chất lượng đến thời gian hoàn tất thu hồi có khi kéo dài cả tháng trời. Ngoài ra, việc nhà sản xuất, phân phối hoặc các cửa hàng thuốc có thu hồi toàn bộ thuốc kém chất lượng hay không thì rất khó kiểm soát. Vì lẽ đó mà nhiều loại thuốc kém chất lượng chỉ được thu hồi trên... văn bản.

Chị Nguyễn Thanh Hoa, nhân viên một nhà thuốc GPP (đạt tiêu chuẩn "thực hành tốt quản lý nhà thuốc") ở quận Hoàn Kiếm - Hà Nội, cho biết thông thường, các thông tin về thu hồi thuốc được nhận từ Sở Y tế. Mỗi tháng, nhân viên cửa hàng thường đến lấy văn bản này một lần. Chính vì thế, cũng có lúc văn bản về tới nơi thì thuốc đã được bán hết hoặc gần hết.

"Trong tình cảnh này thì thông tin thuốc phải thu hồi chỉ có giá trị tham khảo. Bởi lẽ, khi thuốc đã bán cho bệnh nhân thì biết tìm họ ở đâu để thu hồi!"- chị Hoa giải thích. Lý giải cho việc rất nhiều loại thuốc vừa mới được ra "lò" đã tiêu thụ với số lượng lớn, chị Hoa cho rằng một phần do chiến dịch quảng cáo và trình dược viên liên kết "làm" đơn thuốc với bác sĩ để kê toa cho bệnh nhân.

Theo bà Bùi Hải Yến, chủ một hiệu thuốc ở quận Hoàng Mai - Hà Nội, nếu không nhận được văn bản thu hồi thuốc kém chất lượng hoặc nhân viên của hãng không đến thu lại thuốc thì chắc chắn cửa hàng không thể biết. "Đơn cử, với một loại men tiêu hóa bị thu hồi năm 2011, nhà thuốc tình cờ biết được sản phẩm này bị ngừng lưu hành là do khách hàng đọc báo rồi nói lại. Tuy nhiên, đợi mãi nhưng chúng tôi cũng chẳng thấy ai đến thu hồi. Cũng may là nhà thuốc chỉ còn 2 - 3 vỉ nên đành bỏ đi, chứ nếu có nhiều thì không biết xử lý thế nào" - bà Yến băn khoăn.

Không dễ kiểm soát

Một dược sĩ trưởng khoa dược ở một bệnh viện tại Hà Nội cho biết tháng nào ông cũng nhận được thông tin thuốc kém chất lượng, đề nghị phải thu hồi. Tuy nhiên, việc thu hồi những loại thuốc này hoàn toàn trên tinh thần tự giác chứ không có ai giám sát rằng bệnh viện đã sử dụng bao nhiêu, nay còn thế nào...

"Chẳng hạn, các thuốc chứa hoạt chất Buflomedil, do gây ra những phản ứng có hại nghiêm trọng trên tim mạch và thần kinh, có thể dẫn đến tử vong mà Cục Quản lý dược vừa có văn bản thông báo đình chỉ lưu hành, yêu cầu dừng ngay việc kê đơn, sử dụng. Thời điểm chúng tôi nhận được văn bản, qua kiểm kê, khoa dược còn khoảng 20 ống thuốc chứa hoạt chất này nên đã niêm phong và trả lại đơn vị phân phối. Tuy nhiên, nếu bệnh viện lờ đi thì cũng không có đơn vị nào đứng ra kiểm kê, đối chứng để thu hồi" - ông lo ngại.

Cũng theo dược sĩ nêu trên, lâu nay, việc thu hồi thuốc là do doanh nghiệp sản xuất, công ty phân phối đứng ra thực hiện nhưng nếu không bị cơ quan quản lý thúc ép thời gian thì chẳng ai dại gì thu hồi ngay. "Hiện tượng này cũng có thể xảy ra ở các nhà thuốc. Không loại trừ trong lúc "tranh tối, tranh sáng", vì lợi nhuận, họ vẫn cố tình bán thuốc bị thu hồi cho bệnh nhân. Với loại hàng hóa đặc biệt như thuốc thì bệnh nhân thông thường không thể biết đâu là loại kém chất lượng. Vì thế, họ luôn mua theo đơn của bác sĩ hay sự tư vấn của nhân viên nhà thuốc" - ông phân tích.

Một đại diện Cục Quản lý dược cũng thừa nhận với hơn 40.000 nhà thuốc trên cả nước và hơn 20.000 số đăng ký thuốc đang lưu hành, việc giám sát thu hồi sản phẩm kém chất lượng là chuyện không đơn giản. Điều đáng nói là trong hàng ngàn loại thuốc bị phát hiện kém chất lượng và phải xử lý thu hồi những năm qua, phần lớn trước đó đều đã được Cục Quản lý dược hay sở y tế địa phương thẩm định về chất lượng, cấp số đăng ký và cho phép lưu hành, trong đó thuốc nhập khẩu chiếm số lượng rất nhiều. Vì thế, dư luận không khỏi băn khoăn rằng phải chăng vì việc cấp phép lưu hành cho những loại thuốc ngoại quá dễ dàng nên đã để nhiều sản phẩm không bảo đảm chất lượng lọt ra thị trường?

Tác hại khôn lường

Dược sĩ Lê Quốc Thịnh, Trưởng Khoa Dược Bệnh viện 71 Trung ương, cho biết có thể với vài bệnh lý thông thường, nếu trót uống phải thuốc kém chất lượng cũng không bị ảnh hưởng nhiều nhưng với bệnh mãn tính thì sẽ vô cùng nguy hiểm.

"Chẳng hạn, với một bệnh nhân bị đái tháo đường được chỉ định sử dụng thuốc hạ đường huyết nhưng do lỡ uống phải thuốc kém chất lượng khiến đường huyết chẳng những không xuống mà lại lên vù vù thì khác gì đẩy họ đến chỗ chết. Hay như thuốc hạ huyết áp, nếu mua phải loại đã mất tác dụng thì biến chứng sẽ rất khôn lường, thậm chí mất mạng. Đó là chưa kể thuốc kém chất lượng có thể chứa các chất có tác dụng phụ gây hại sức khỏe" - ông Thịnh khuyến cáo.

Đến nay, không ai biết được đã có bao nhiêu loại thuốc kém chất lượng được bệnh nhân bỏ tiền ra mua mà bệnh vẫn nguyên vẹn, thậm chí nặng thêm. Tuy nhiên, theo nhiều nhà thuốc, họ chưa từng gặp bệnh nhân nào mua thuốc rồi nghe tin nó kém chất lượng mà mang trả lại.

Điều đáng nói nữa là từ trước đến nay, chưa có cơ quan nào lên tiếng bồi thường cho bệnh nhân nếu họ chẳng may bị kê đơn hay mua phải thuốc kém chất lượng. "Chúng tôi từng đề nghị người dân nếu mua phải loại thuốc kém chất lượng phải trả lại ngay cho người bán nhưng nếu đã trót uống rồi thì cũng đành chịu!" - TS Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thừa nhận. Một dược sĩ cảnh báo nếu cơ quan quản lý không có chế tài xử phạt nghiêm minh thì mỗi năm, hàng ngàn loại thuốc kém chất lượng lại tiếp tục đổ vào Việt Nam và không loại trừ nước ta có nguy cơ trở thành "bãi rác" thuốc "dỏm" của các nước công nghiệp phát triển. Phớt lờ chuyện đền bù

TS Trịnh Văn Lẩu, nguyên viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, cho rằng số lượng thuốc bị thu hồi có tần suất dày đặc hơn chưa hẳn do tiền kiểm thiếu chặt chẽ mà là vì công tác hậu kiểm được thực hiện thường xuyên hơn. Những năm qua, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và hệ thống kiểm nghiệm thuốc trên cả nước đã tăng cường kiểm tra, xét nghiệm thuốc. Hằng tháng, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đều cử cán bộ lấy mẫu thuốc ngẫu nhiên trên thị trường về kiểm nghiệm và báo cáo Cục Quản lý dược.

Theo TS Lẩu, ngoài một số loại thuốc nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng khí hậu thì những sản phẩm chỉ chạm vạch về giới hạn nhiễm khuẩn, chưa chuẩn về màu sắc như công bố hay hàm lượng thiếu chút ít... cũng vẫn được đơn vị kiểm nghiệm báo cáo về cơ quan quản lý.

Ông Lẩu khẳng định khi kiểm nghiệm phát hiện thuốc kém chất lượng, chính doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu là nơi chịu trách nhiệm và sẽ phải đi thu hồi. "Tuy nhiên, về quyền lợi của bệnh nhân trong chuyện này, chưa thấy đơn vị nào có ý đền bù cho họ" - ông nêu bất cập. D.Thu

Nhan nhản thuốc bị đình chỉ, thu hồi

Chỉ trong vài tháng gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện nhan nhản các tên thuốc bị đình chỉ lưu hành, thu hồi hoặc rút số đăng ký.

Trong đó, phải kể đến thuốc chống ung thư DBL oxaliplatin 100 mg (của Úc), thuốc điều trị tăng huyết áp Apo - Atenol (Canada), thuốc trị tim mạch Aspirin pH8 500 mg (Công ty Tipharco), thuốc an thần Mimosa (Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC), kháng sinh Ceplor VPC 250 mg (Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long), thuốc tim mạch Acipta (Ấn Độ), thuốc giảm đau hạ sốt Piroxicam capsules USP 20 mg (Ấn Độ), thuốc trị tim mạch - huyết áp Dospirin (Công ty Cổ phần S.P.M), thuốc trị dạ dày Omepro (Ấn Độ), thuốc điều trị cơ xương khớp Diclofenac (Công ty Cổ phần Dược Trung ương Mediplantex), các thuốc chứa hoạt chất Buflomedil điều trị rối loạn tuần hoàn não...

K.Anh - NLĐ
Read more...

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Lê, táo để 2 tháng vẫn tươi

03:23 0
Đó là trái cây chưng tết của gia đình chị Sông Ngân ở P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức (TP.HCM). Theo chị Ngân, những loại trái cây này chị mua trước Tết Nguyên đán 2012.

Sau khi chưng xong, chị không bỏ vào tủ lạnh nhưng đến nay trái cây vẫn tươi nguyên nên gia đình chị không dám ăn.

Trao đổi với chúng tôi về trường hợp này, một cán bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM cho biết hiện nay có nhiều phương pháp để giữ trái cây tươi lâu. Trong đó, cách phủ màng sinh học là hữu hiệu và không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nếu lê, táo để ngoài môi trường bình thường mà không được bảo quản đúng cách thì chỉ tươi và có thể sử dụng được trong vòng một tuần.

“Trường hợp trên có thể sử dụng chất bảo quản hoặc màng bảo vệ sinh học để giữ trái cây được tươi lâu. Tuy nhiên phải có mẫu cụ thể và qua quá trình xét nghiệm mới đưa ra kết luận chính xác” - vị này nói.

Read more...

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

10 thành tựu ngành y tế TP HCM

04:58 0
Dùng tế bào gốc điều trị huyết học, kỹ thuật sinh học trong chẩn đoán phôi thai, ghép gan bệnh nhi, lọc máu liên tục trong cấp cứu... là thành tựu tiêu biểu của ngành y tế TP HCM trong những năm qua.

Ứng dụng y khoa đầu tiên được Sở Y tế TP HCM nêu danh nhân kỷ niệm 57 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 là kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán bất thường phôi thai. Thực hiện tại Bệnh viện Từ Dũ, đây được xem là thành tựu mang tính tiên phong trong việc hạn chế trẻ sơ sinh bất thường, góp phần nâng cao chất lượng dân số Việt Nam.

Với thành công trình này, khoa Xét nghiệm di truyền y học Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đã triển khai thành công và đưa vào thực hiện chẩn đoán bệnh thalassemia bằng kỹ thuật sinh học phân tử. Kỹ thuật QF-PCR được ứng dụng vào việc chẩn đoán hội chứng Down và các bất thường về số lượng nhiễm sắc thể; triển khai các chẩn đoán di truyền cho các bệnh phổ biến khác như bệnh Hemophilia, giải trình tự DNA, chẩn đoán đột biến gen AZF gây hiếm muộn, chẩn đoán nhiễm CMV và Rubella thai kỳ.

Phương pháp lọc máu liên tục của Bệnh viện Nhi Đồng cứu sống nhiều trường hợp trước đó thường tử vong. Ảnh: Thiên Chương

Ứng dụng thứ hai là dùng tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý huyết học tại Bệnh viện Truyền máu và Huyết học.

Ca ghép tủy xương đầu tiên của Việt Nam được Bệnh viện Truyền máu huyết học thực hiện vào tháng 7/1995 và thực hiện truyền tế bào gốc máu ngoại vi lần đầu từ tháng 10/1997. Sau đó, cũng chính Bệnh Viện Truyền máu và Huyết học TPHCM đã tiến hành ghép tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn đầu tiên ở Việt Nam.

Hiện tại, trong kỹ thuật cấy ghép, Bệnh viện Truyền máu huyết học có 3 loại sản phẩm ứng dụng tế bào gốc từ tủy xương, tế bào gốc máu ngoại vi và tế bào gốc từ máu cuống rốn. Bệnh viện đã thực hiện thành công trên 100 ca cấy ghép, trong đó gần một nửa là ở trẻ em, và chuyển giao thành công kỹ thuật này cho một số bệnh viện trong nước.

Ứng dụng thứ ba là kỹ thuật tiêu sợi huyết kết hợp lấy cục huyết khối bằng dụng cụ cơ học trong điều trị đột quỵ, can thiệp mạch máu não tại Bệnh viện Nhân dân 115. Kỹ thuật này đã mở ra triển vọng rất lớn cho người bệnh, giúp bệnh nhân có nhiều khả năng hồi phục gần như hoàn toàn, giảm được gánh nặng cho gia đình và cho xã hội.

Công trình ứng dụng thứ tư là nghiên cứu triển khai thành công kỹ thuật lọc máu liên tục cho các bệnh nhân tay chân miệng có suy đa tạng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ứng dụng được xem như một phát kiến mà ít quốc qua nào trong khu vực Đông Nam Á thực hiện.

Nghiên cứu nguyên nhân tử vong do bệnh tay chân miệng và dựa trên kết quả các công trình nghiên cứu của thế giới, nhóm y bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận định bệnh tay chân miệng làm cho cơ thể tiết ra các hóa chất trung gian trong máu khiến bệnh nặng hơn. Từ đó, bệnh viện đã áp dụng phương pháp lọc máu liên tục, một kỹ thuật hồi sức hiện đại, tích cực trong các trường hợp bệnh tay chân miệng có biến chứng suy đa cơ quan.

Kết quả cho thấy, phương pháp này đã cứu sống được nhiều trường hợp mắc bệnh tay chân miệng cấp độ 4 trước đây thường tử vong.

Triển khai thành công kỹ thuật ghép gan trên trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng được tính như một nét son của ngành y tế TP HCM.

Ghép gan là một trong những kỹ thuật chuyên sâu, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã chuẩn bị đào tạo nhân sự và đầu tư trang thiết bị ngay từ thập niên 90 để có thể thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên vào tháng 12/2005.

Hiện đây là đơn vị duy nhất của các tỉnh phía Nam có thể thực hiện ghép gan, tính đến nay Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện được 7 ca ghép gan cho trẻ em, chiếm phân nửa số ca ghép gan trong cả nước. Trong đó, có một trường hợp ghép gan cho trẻ nhẹ cân nhất (6 kg), khó khăn và phức tạp mà y văn thế giới đã ghi nhận.

Một ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Ảnh: Thiên Chương

Ứng dụng thứ sáu kỹ thuật sinh học phân tử trong hoạt động giám định tại Trung tâm Pháp y TP HCM.

Việc phát triển chuyên sâu về sinh học phân tử trong nhiều năm trở lại đây đã đáp ứng tốt hầu hết các yêu cầu giám định pháp y về xâm hại tình dục, dấu vết sinh học, xác định quan hệ huyết thống (bao gồm xác định hài cốt liệt sĩ) và bước đầu triển khai ứng dụng phục vụ cho lâm sàng như định lượng vi rút viêm gan B. Từ thành tựu này, giám định pháp y TP HCM đã giúp cho ngành tư pháp xác định được những chứng cứ quan trọng, chính xác và khoa học, đồng thời cũng hỗ trợ cho hệ điều trị truy tìm các nguồn gốc của bệnh từ gene.

Thành tựu thứ sáu là việc kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị bệnh tạo xương bất toàn (bệnh xương thủy tinh) tại Viện Y Dược học dân tộc.

Xương thủy tinh là bệnh lý xương hiếm gặp, có tính di truyền mà nguyên nhân là do tổn thương các sợi collagen của xương làm cho xương rất giòn và dễ gãy sau một va chạm nhẹ. Hiện bệnh chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Nghiên cứu sử dụng kết hợp điều trị đông y và tây y của Viện Y dược học dân tộc qua hai giai đoạn: giai đoạn đầu sử dụng bài thuốc y học cổ truyền kết hợp cao xương cá sấu để tăng mật độ xương, giảm đau, phòng ngừa biến dạng xương. Giai đoạn 2 phẫu thuật chỉnh hình xương giúp cho các cháu phục hồi chức năng, đi lại được dễ dàng hơn.

Ứng dụng công nghệ gene sản xuất thành công nguyên liệu và thuốc đặc trị viêm gan siêu vi C tại Công ty Sinh học Dược Nanogen là thành tựu thứ 8 được kể đến. Đây được xem là điểm nhấn trong chương trình “Người Việt dùng thuốc Việt”.

Trước đây, khi bị viêm gan siêu vi B hay C người bệnh phải trả một chi phí rất đắt để điều trị. Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, thuốc của Nanogen đã được chứng minh có hiệu quả tốt với giá cả phù hợp với người Việt Nam. Công ty đang có kế hoạch nghiên cứu đưa ra thị trường thuốc điều trị viêm gan B, C kháng thuốc và thuốc điều trị ung thư bằng cách sử dụng kháng thể đơn dòng tái tổ hợp.

Kiểm soát hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh HIV/AIDS là thành tựu thứ 9 của ngành y tế TP HCM. Hơn 20 năm đương đầu với HIV/AIDS, nhiều chương trình phòng chống HIV/AIDS tại thành phố đạt được thành tích khả quan, góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV.

Các chương trình được đánh giá cao về mặt hiệu quả là Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS và tham vấn xét nghiệm HIV tự nguyện.

Cuối cùng là việc kiểm soát an toàn thực phẩm hiệu quả và hạ thấp số vụ ngộ độc thực phẩm.

Ngành y tế TP HCM đánh giá công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố từng bước đã được cải thiện, góp phần ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo an toàn đến tay người tiêu dùng. Thành phố khống chế không để xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm truyền qua thực phẩm như tả, cúm A/H5N1 và hạ thấp số vụ ngộ độc thực phẩm qua từng năm.

Read more...

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012

Đua nhau sinh con năm rồng, vui hay lo?

18:41 0
Rồng là con vật duy nhất không có thật trong số 12 con giáp của người phương Đông. Người ta quan niệm sinh con năm rồng sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng cho cả gia đình.

Người châu Á tin rằng rồng sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng - Ảnh: Koreatimes

Cassandra Cheong, một sản phụ ở Singapore, rất tự hào khi sắp trở thành mẹ của một đứa bé tuổi rồng. Bà mẹ trẻ 26 tuổi này dự kiến sẽ hạ sinh cô con gái vào ngày 23-1, đúng dịp đầu năm Nhâm Thìn. Không riêng gì cô Cheong, cả gia đình và những người người lớn tuổi trong dòng họ cũng rất vui mừng khi cô sinh một đứa cháu tuổi rồng.

Cơn sốt sinh con năm rồng

Rồng được xem là con vật linh thiêng nhất trong lịch của người châu Á, là biểu trưng cho quyền lực của bậc vua chúa thời xưa. Do đó, người ta quan niệm sinh con trong năm rồng sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng cho cả gia đình. Chính vì thế, trong những năm rồng trước đây, tỉ lệ sinh ở các nước châu Á thường tăng cao.

Các bác sĩ ước tính các cặp đôi muốn sinh con trong năm nay thì phải mang thai trước ngày 2-5 bởi vì năm Nhâm Thìn sẽ kết thúc vào ngày 9-2-2013.

Theo Tân Hoa Xã, các chuyên gia ở Trung Quốc dự báo sẽ có khoảng 20 triệu trẻ sơ sinh sẽ chào đời trong năm rồng, tăng tỉ lệ sinh của nước này lên 5%. Tại Hồng Kông, dự kiến có khoảng 100.000 ca sinh vào năm 2012.

Tại Đài Loan, tỉ lệ sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cũng tăng cao. Các bác sĩ cho biết thực tế xu hướng sinh con năm rồng đã bắt đầu từ cách đây 3-4 tháng.

Tại Singapore, năm rồng lại được xem là cứu tinh cho tình trạng sụt giảm tỉ lệ sinh ở đất nước này. Lịch sử cho thấy khoảng 10% dân số tại Singapore được sinh ra trong hai năm rồng 1988 và 2000.

Giáo sư môn xã hội học Shirley Sun của Trường ĐH Nangyang cho biết: “Tâm lý thích sinh con trong năm rồng sẽ giúp gia tăng dân số. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng sụt giảm bắt buộc chính phủ Singapore phải có những kế hoạch dài hạn, không thể phụ thuộc vào cân chi trong âm lịch”.

Các chuyên gia cũng dự báo rằng sau năm Nhâm Thìn, tỉ lệ sinh có thể sẽ giảm vào năm 2013, năm con rắn.

Niềm vui và nỗi lo

Việc chạy đua sinh con tuổi rồng đã mang lại cơ hội kinh doanh cho các hãng sản xuất sản phẩm cho trẻ em và dịch vụ chăm sóc các bà mẹ. Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International có trụ sở tại London dự đoán doanh số tiêu thụ ở Trung Quốc sẽ tăng 17% trong năm nay. Các bệnh viện tư cũng bắt đầu chương trình khuyến mãi nhằm thu hút các sản phụ.

Cô Austin Tseng, 32 tuổi, đang siêu âm chú “rồng con” của mình tại một bệnh viện ở Đài Loan - Ảnh chụp ngày 18-1 - Ảnh: AP

Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Tại Hongkong, dù chỉ mới bước sang năm mới nhưng các bệnh viện đều kín lịch đăng ký sinh con cho đến hết năm trong khi thông thường các bà mẹ chỉ đăng kí sinh trước 3-4 tháng. Các y tá chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh cũng vừa được tăng lương vì họ sẽ phải làm việc vất vả hơn trong năm nay.

Các bà mẹ ở Trung Quốc đại lục cố gắng sinh con tại Hongkong để con họ có thể hưởng các quyền lợi về chăm sóc y tế cũng như giáo dục. Điều này dẫn đến cuộc biểu tình của hơn 1.500 phụ nữ Hongkong vào tuần trước vì không chịu được sự cạnh tranh về chỗ trong bệnh viện, các dịch vụ chăm sóc, sự giáo dục cho trẻ em…

Mặc khác, “vấn đề này có thể sẽ gây khó khăn trong việc xin vào các trường học, chen chân trong kỳ thi hoặc xin việc làm bởi nhiều người tuổi rồng nghĩa là tỷ lệ cạnh tranh sẽ nhiều hơn” - giáo sư Tong Yuying, khoa xã hội học của Trường ĐH Hongkong, cho biết.

Các chuyên gia cho biết cuộc chạy đua sinh con tuổi rồng đã bắt đầu từ 3-4 tháng trước - Ảnh: Japantoday

Alicia Loo, một bà mẹ Trung Quốc gốc Malaysia có con tuổi rồng, cho biết: “Đây là một phước lành nhưng cũng gây ra nhiều trở ngại. Sắp tới, con trai tôi sẽ bước vào bậc trung học nhưng thật khó vì sự cạnh tranh vào các trường danh tiếng rất cao”.

Cuộc đua vào trường danh tiếng giữa những học sinh tuổi rồng cũng xảy ra tương tự ở Đài Loan. Giáo sư Chen Shee Uan, bệnh viện đại học quốc gia Đài Loan nhận xét: “Sự cạnh tranh giữa những đứa trẻ sinh năm rồng nhất định sẽ khốc liệt hơn”.

Read more...