Hiển thị các bài đăng có nhãn suckhoetreem. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn suckhoetreem. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Thời điểm bắt buộc phải bổ sung sắt

21:05 0
Trong số chất khoáng cơ thể cần, người ta chú ý trước hết tới sắt (Fe). Cơ thể người trưởng thành có từ 3 - 4g sắt, trong đó 2/3 có ở hemoglobin là sắc tố của hồng cầu, phần còn lại dự trữ trong gan, thận, lách các cơ quan khác. Mặc dù số lượng không nhiều nhưng sắt là một trong các thành phần dinh dưỡng quan trọng nhất, có tầm quan trọng cơ bản đối với sự sống. Không chỉ là thành phần của huyết sắc tố, sắt còn tham gia vận chuyển ôxy và giữ vai trò quan trọng trong hô hấp tế bào.
Thời điểm bắt buộc phải bổ sung sắt
Hằng ngày cần ăn các  thực phẩm chứa nhiều sắt.
Khi thiếu hụt sắt, cơ thể không chỉ có thay đổi sự tạo máu, mà còn thay đổi chức năng của nhiều enzym quan trọng gây nên nhiều rối loạn trong cơ thể và sinh bệnh. Bệnh thiếu máu thiếu sắt là một bệnh dinh dưỡng, tuy ít khi gây tử vong, nhưng gây tình trạng yếu đuối, sức khỏe kém. Trẻ em học kém làm do thiếu máu gây buồn ngủ và kém tập trung. Người lớn giảm khả năng lao động vì chóng mệt phải nghỉ luôn và nghỉ kéo dài. Thiếu máu đặc biệt gây nguy hiểm cho phụ nữ thời gian sinh nở.
Vì vậy khi thấy cơ thể có biểu hiện da xanh xao, người mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ, khả năng tập trung kém làm ảnh hưởng tới học tập và công tác... cần nghĩ tới việc có thể cơ thể bị thiếu sắt, và đi khám bệnh để được bổ sung sắt kịp thời.
Trong điều trị, sắt có thể dùng riêng rẽ hoặc phối hợp với một số vitamin hoặc acid folic. Tuy nhiên khi uống viên sắt người dùng có thể thấy lợm giọng, buồn nôn, nôn, táo bón, tiêu chảy, kích ứng đường tiêu hóa...Khi bổ sung sắt cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, không bổ sung quá nhiều trong thời gian dài dẫn tới thừa sắt sẽ không tốt cho cơ thể. Ngộ độc sắt do quá liều ít gặp ở người lớn, nhưng hay gặp ở trẻ em. Triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sau khi uống nhầm 30 phút đến vài giờ. Vì vậy khi dùng cho trẻ em phải rất thận trọng và cần để thuốc xa tầm với của trẻ để tránh trẻ ăn nhầm phải gây ngộ độc.
Thời điểm bắt buộc phải bổ sung sắt
Dùng thuốc bổ sung sắt phải theo chỉ định của bác sĩ. 
Uống thuốc chứa sắt cần tránh xa các bữa ăn khoảng 1-2 giờ, và không uống nước chè, cà phê ngay sau khi uống thuốc, vì thức ăn và các loại nước uống này làm giảm sự hấp thu của sắt.
Cần lưu ý, sắt có nhiều trong thức ăn có nguồn gốc động vật và thực vật. Các thực phẩm chứa nhiều sắt như: thịt đỏ, thịt lợn, gan, bánh mì ngũ cốc, đậu đũa, đậu ván, đậu hà lan...Vì vậy, một người bình thường ăn uống đầy đủ thì không thiếu sắt. Chỉ bổ sung bằng thuốc khi nguồn thức ăn không cung cấp đủ nhu cầu.
Dược sĩ Lê An - suckhoedoisog.vn
Read more...

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Bệnh tay - chân - miệng, chữa thế nào?

01:49 0

(TCM) là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do virut đường ruột gây ra, hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là coxsackie virut nhóm A16 (CA16), A10 (CA10) và Enterovirus 71 (EV71).
Biểu hiện nốt phỏng ở lòng bàn chân trong bệnh tay chân miệng
Biểu hiện nốt phỏng ở lòng bàn chân trong bệnh tay chân miệng
Bệnh phần lớn là lành tính và tự khỏi trong vòng một tuần. Tuy nhiên, nếu do EV71 thì có thể gây ra các vụ dịch lớn, có thể gây tử vong nhanh chóng cho trẻ em, nhất là trẻ nhỏ. Trong bài này chúng tôi đề cập đến cách theo dõi và xử trí cho bệnh nhân bị TCM do EV71.

Biểu hiện của bệnh

Bệnh TCM có biểu hiện bệnh cảnh rất khác nhau, có thể không có triệu chứng, có thể sốt nhẹ, phát ban đến thể rất nặng gây tử vong nhanh do biến chứng như phù phổi, suy tuần hoàn, hô hấp với các biểu hiện thần kinh khác nhau.

Nhìn chung đa số là thể nhẹ hay gặp ở cộng đồng. Sau thời gian 2 - 4 ngày nhiễm bệnh trẻ sẽ có các biểu hiện sau: Bệnh thường bắt đầu với sốt 38 - 390C, kém ăn, mệt mỏi, thường đau họng; Sau 1 - 2 ngày sốt thường xuất hiện đau ở miệng, nhìn thấy các vết đỏ rộp lên có thể gây loét. Thương tổn thường thấy ở lưỡi, lợi răng và mặt trong niêm mạc má. Đồng thời xuất hiện các ban đỏ ở da, không ngứa, có thể có mụn nước khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi có ở mông.

Những trường hợp có biến chứng nặng về hô hấp, thần kinh phải được theo dõi và điều trị ở bệnh viện.

Chữa trị thế nào?

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị chống EV71, vì vậy việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và các biện pháp điều trị tích cực nhằm duy trì chức năng sống đối với các trường hợp nặng, đặc biệt có suy tuần hoàn, hô hấp.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị chống virut EV71. Một số nghiên cứu dùng acyclovir là thuốc kháng virut hoặc dùng interferon là một nhóm protein tự nhiên được sản xuất bởi các tế bào của hệ miễn dịch của hầu hết các động vật nhằm chống lại các tác nhân gây bệnh như virut, vi khuẩn, ký sinh trùng và tế bào ung thư. Hiện nay, các chế phẩm interferon gamma chủ yếu được dùng trong các bệnh viêm gan do virut B, C hoặc HIV/AIDS. Còn các loại interferon có khả năng ức chế EV71 vẫn đang được thử nghiệm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương có đưa ra hướng dẫn xử trí bệnh TCM từ năm 2011 như sau:

- Nếu trẻ mới có các dấu hiệu như sốt hoặc bệnh sử có sốt, ban sẩn mụn nước ở tay chân, có thể loét miệng hoặc không. Đây là giai đoạn không có biến chứng có thể điều trị tại nhà các triệu chứng này: dùng paracetamol hạ sốt giảm đau. Uống bù nước và điện giải bằng dung dịch oresol. Dùng dung dịch sát khuẩn da như xanhmethylen, milian... và niêm mạc như zytee, kamistad... cho các vết loét. Và hướng dẫn cha mẹ nhận biết các dấu hiệu nguy cơ như sốt cao, li bì, nôn... để đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Theo dõi các dấu hiệu lâm sàng chưa có nguy cơ từ 1 - 2 ngày hoặc tới 1 tuần lúc đó bé sẽ hồi phục.
- Nếu trẻ có các dấu hiệu nặng lên cần đưa trẻ tới viện ngay.

Lưu ý: Bệnh TCM là bệnh nhiễm khuẩn do virut đường ruột, nên kháng sinh thông thường không có tác dụng. Các bà mẹ thấy con bị bệnh TCM là dùng ngay kháng sinh mà không biết rằng bệnh TCM do virut nên việc dùng kháng sinh không những không có tác dụng gì đối với bệnh mà chỉ gây hại sức khỏe, làm bệnh nặng lên và tạo nên tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng rất khó khăn cho việc điều trị bệnh nói chung và bệnh TCM nói riêng.

Phòng ngừa dễ?

Vì chưa có vaccin phòng bệnh nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là thực hiện vệ sinh tốt được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng:

- Rửa tay đúng và thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Làm sạch các vết bẩn, các dụng cụ đồ chơi bằng xà phòng hay dung dịch sát khuẩn.
- Tránh tiếp xúc (hôn, ôm ấp, dùng chung đồ dùng hoặc cốc chén) với người bệnh TCM.
- Các cơ sở y tế, phòng dịch phải phát hiện và thông báo kịp thời các trường hợp bị bệnh.
BS. Nguyễn Thục Anh - suckhoedoisong
Read more...

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Bé từ 9 tháng - 10 tuổi - Phải chích đủ 3 lần mũi Vaccin Sởi !!!

21:32 0
 Nếu đang băn khoăn về vắc xin sởi, hãy đọc bài này! - hình 1

Mọi thắc mắc của bạn đọc về vắc xin sởi, từ việc tại sao phải tiêm 2 mũi vắc xin, tác dụng phụ cho đến đối tượng không được tiêm... đều được BS Nguyễn Trí Đoàn giải đáp cụ thể. Việc chích ngừa sởi kịp thời và đẩy đủ là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh sởi

Vaccine sởi (cũng như quai bị, Rubella hay trái rạ) là vaccine sống giảm độc lực, có nghĩa đó là virus sởi sống nhưng đã làm yếu đi để không gây ra bệnh thực sự. Thường ở những nước đang phát triển như Việt Nam, chương trình tiêm chủng mở rộng chích mũi sởi đầu tiên cho bé 9 tháng tuổi. Trước sinh bé nhận kháng thể của mẹ truyền qua nhau thai, trong đó có thể có kháng thể chống lại sởi, kháng thể này sẽ được sử dụng dần và thường hết khi khoảng 1 tuổi. Vì vậy, nếu bé chích vaccine sởi trước 1 tuổi, kháng thể còn trong máu sẽ tiêu diệt 1 phần vaccine sởi đó, cơ thể chỉ đáp ứng tạo kháng thể đối với phần vaccine còn lại, có thể là chỉ còn 50% hay 60% vaccine chích vào. Hiện tượng này gọi là đáp ứng miễn dịch không hoàn toàn,

Vì vậy, nếu bé được chích mũi vaccine sởi trước 1 tuổi thì liều vaccine đó không được tính là 1 mũi chích đầu tiên, và từ 1 tuổi trở lên phải chích lại (thường chích mũi sởi - quai bị - Rubella) và lúc đó mới tính là mũi chích đầu tiên (mũi 1). Nếu bé chích vaccine sởi đầu tiên vào lúc 1 tuổi trở lên thì đáp ứng miễn dịch được xem là hoàn toàn và lượng kháng thể tạo ra đủ sử dụng trong vài năm, do đó bé sẽ được chích nhắc lại 1 mũi vaccine sởi (hay sởi - quai bị - Rubella) (mũi 2) lúc 4 - 6 tuổi (không nhất thiết phải tiêm nhắc lại sớm hơn, tuy nhiên có thể tiêm nhắc lại sớm hơn nếu muốn, miễn là phải cách mũi vaccine sống tối thiểu 4 tuần lễ). Nếu chích liều đầu tiên sau 1 tuổi thì hiệu quả bảo vệ của vaccine sởi là hơn 97%. Do đó, có những bé được chích sởi liều đầu tiên trước 1 tuổi, đến sau 1 tuổi thì kháng thể giảm nhiều do đáp ứng miễn dịch không hoàn toàn, nếu bé không được chích nhắc lại mũi vaccine sởi thì bé vẫn có nguy cơ mắc bệnh sởi.

Tuy nhiên, đối với những bé đã chích ngừa sởi và đã có đáp ứng miễn dịch mà bị sởi thì thường sẽ bị nhẹ hơn những bé chưa được chích ngừa sởi bao giờ.

Bác sĩ Trí Đoàn chia sẻ thêm: “Nếu con bạn đã được chích ngừa sởi rồi và đã chích theo lịch đầy đủ thì bạn không phải lo lắng quá mức như các phụ huynh đang bị những thông tin trên các phương tiện đại chúng “bủa vây” như hiện nay”.

Trường hợp vaccine sởi tiêm trước 1 tuổi không đáp ứng miễn dịch hoàn toàn thì nó vẫn có hiệu quả bảo vệ tạm thời. Do đó, nếu như đang có dịch sởi như hiện nay, bé từ 6 tháng - 11 tháng vẫn có thể chích 1 mũi sởi để bảo vệ tạm thời. Tuy nhiên, đến sau 1 tuổi bé vẫn phải được chích sởi (hay sởi - quai bị - Rubella) mũi 1. Nếu bé tiếp xúc với bệnh nhân bị sởi và chưa được chích ngừa sởi, việc chích ngừa sởi trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc cũng có thể giảm nguy cơ bị bệnh sởi hay giảm nguy cơ bị sởi nặng.

Nguyên nhân dịch bệnh sởi bùng phát?

Hiện tượng dịch sởi quay lại gần đây có lẽ một phần do các phụ huynh đã không cho các bé đi chích ngừa đầy đủ do lo ngại những phản ứng phụ của chích ngừa.

Kinh nghiệm của thế giới cho thấy rõ điều này. Năm 2012-2013 tại Anh và Wales xảy ra 1 dịch sởi gây bệnh cho khoảng 3000 bệnh nhân, hầu hết khoảng 10-18 tuổi. Nguyên nhân của vụ dịch sởi đó là do một nghiên cứu của BS Andrew Wakefield công bố vào năm 1998, cho rằng vaccine MMR (sởi - quai bị - Rubella) có liên quan đến bệnh tự kỷ ở trẻ em. Vì vậy, các phụ huynh đã từ chối chích ngừa cho con mình. Kết quả là những trẻ không được chích ngừa sởi đầy đủ lúc đó đã không có đủ miễn dịch bảo vệ với sởi nên bị mắc bệnh sởi trong trận dịch đó.

Trở lại kinh nghiệm của Việt Nam. Vào năm 2006 có 1 vụ tai biến sau khi chích vaccine MMR tại 1 số trường ở quận 5, khiến 1 bé tử vong và khoảng 5 - 6 bé khác bị nhiễm trùng huyết, khiến cho các phụ huynh không ai dám cho con chích ngừa MMR. Thực chất tai biến đó không liên quan đến bản thân vaccine MMR, mà là do vi khuẩn tụ cầu lây vào một số bé được chích và gây nhiễm trùng huyết (nguồn gốc của vi khuẩn đó có lẽ từ hầu họng của 1 nhân viên chích ngừa). Sau đó 1 thời gian, bệnh sởi đã quay lại. Thời gian gần đây, cũng do một số thông tin báo chí đăng tải các vụ xảy ra sau khi chích ngừa (mà đa số các vụ đó nguyên nhân tử vong không liên quan đến vaccine) mà phụ huynh không cho con chích ngừa kịp thời và đầy đủ, khiến một số bệnh quay lại như sởi và thủy đậu.

Vậy để chích ngừa kịp thời và đầy đủ, có một số biện pháp hiệu quả và đơn giản. Khi bé đi khám định kỳ, lúc đó có thể chích được bao nhiêu mũi vaccine thì hãy cho bé chích cùng 1 lúc (tất cả các vaccine đều có thể chích cùng một lúc được). Như vậy sẽ không phải đi nhiều lần, còn bé sẽ được bảo vệ kịp thời và không gây ra tình trạng thiếu hụt vaccine như hiện nay.

Nếu bé đi khám bệnh vì bệnh lý gì đó mà không có sốt, bé vẫn có thể chích ngừa được, ví dụ bé đang ho, sổ mũi, ói, tiêu chảy vẫn có thể chích ngừa được nếu bé không sốt và vẫn chơi (kinh nghiệm là khi phụ huynh dẫn bé đi khám bệnh, nên đem theo sổ chích ngừa để bác sĩ biết bé còn cần chích vaccine nào nữa). Trong tình hình thiếu nhiều loại vaccine như hiện nay (vaccine sởi - quai bị - Rubella cũng đang thiếu), bé vẫn nên đi chích ngừa các loại bệnh khác, đặc biệt là chích ngừa cúm cho trẻ nhỏ vì chúng vẫn có thể bị lây cúm và bị biến chứng nặng do cúm (viêm phổi, thậm chí tử vong).

Tác dụng phụ khi tiêm vắc xin sởi?

Như mọi loại vaccine khác, vaccine sởi cũng có thể có một số tác dụng phụ. Có khoảng 10% bé có thể sốt và phát ban sau khi tiêm vaccine sởi khoảng 1-2 tuần, tuy nhiên tình trạng này nhẹ và tự khỏi hoàn toàn.
Đối tượng không được tiêm vắc xin sởi

Vaccine sởi là vaccine sống nên trên nguyên tắc không được tiêm cho phụ nữ đang mang thai hay người đang suy giảm miễn dịch. Đương nhiên, người dị ứng nặng với thành phần trong vaccine sởi (ví dụ dị ứng với kháng sinh Neomycine) cũng không tiêm vaccine này được. Tuy nhiên, vaccine sởi vẫn có thể tiêm cho phụ nữ đang cho con bú.

Biện pháp phòng ngừa bệnh sởi

Ngoài biện pháp chích ngừa sởi để phòng bệnh, cũng có một số biện pháp khác có hiệu quả (tuy không cao bằng tiêm ngừa).

Virus sởi cũng lây giống những virus đường hô hấp khác, do đó nên che miệng khi ho hay hắt hơi hay rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sát khuẩn cũng là cách rất tốt để ngừa bệnh sởi lây lan.

Thói quen của người lớn ở Việt Nam là hay hôn trẻ nhỏ, đó là cách thể hiện tình thương, tuy nhiên hành động này cũng có thể lây những bệnh lý đường hô hấp cho trẻ nhỏ. Do đó, người lớn không nên hôn mặt trẻ nhằm tránh lây lan các bệnh đường hô hấp.

Bác sĩ  Trí Đoàn - PK Victoria
Read more...

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Bệnh sởi ở trẻ em

18:50 0
Bệnh sởi nguy hiểm như thế nào?

Sởi là một bệnh truyền nhiễm do virút gây ra và dễ bùng phát thành dịch, rất thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ nhũ nhi vì sức đề kháng của trẻ còn yếu kém. Hàng năm, vào tháng 2 là thời điểm bệnh này lưu hành nhiều nhất.

Bệnh xảy ra quanh năm và lây truyền theo đường hô hấp, nên khả năng lây lan rất nhanh theo diện rộng và dễ dàng lan truyền từ những người đi du lịch quốc tế. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới có 30 - 40 triệu trường hợp mắc bệnh sởi và có khoảng 750.000 trường hợp tử vong, chủ yếu là trẻ em.
Tiêm phòng ngừa sởi ở trẻ em



Nhận biết nguyên nhân và triệu chứng

Tác nhân gây bệnh sởi là virút thuộc giống morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Bệnh sởi là tình trạng nhiễm virút cấp tính. Sởi lan truyền do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Sự lan truyền từ người bệnh đến người lành có thể xảy ra khi người lành hít phải những giọt không khí có virút sởi sau khi người bệnh xả ra 2 tiếng đồng hồ. Người bệnh có thể lây nhiễm cho người khác trước và sau vài ngày xuất hiện triệu chứng của bệnh.

Khi bị nhiễm sởi, sau giai đoạn ủ bệnh kéo dài khoảng 7 ngày - 2 tuần, bệnh nhân thường có những triệu chứng thường gặp sau đây:

- Lúc mới khởi bệnh trẻ thường bị sốt cao, khi dấu hiệu sốt thuyên giảm sẽ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu phát ban đặc trưng của sởi.

- Ban sởi rất đặc trưng: lúc đầu ban nổi ở sau tai, sau đó lan ra mặt, rồi lan dần xuống ngực bụng và lan ra toàn thân. Khi ban sởi biến mất cũng mất dần theo thứ tự đã nổi trên da, đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”.

- Ngoài ra, trẻ bị mắc sởi thường có một số triệu chứng kèm theo như: chảy nước mũi, ho hay đỏ mắt, đôi khi trẻ bị tiêu chảy vì tình trạng viêm long đường tiêu hóa.

Những biến chứng thường gặp

Sự nguy hiểm của bệnh sởi chính là những biến chứng do bệnh gây ra. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, nhất là khả năng bị những biến chứng nặng nề của bệnh. Những biến chứng thường gặp khi mắc bệnh sởi được ghi nhận tại các cơ sở y tế trong những năm qua cụ thể như sau:

- Biến chứng thường gặp nhất là viêm tai giữa cấp xảy ra ở 1/10 số trẻ bị nhiễm sởi.

- Viêm phổi nặng xảy ra khoảng 1/20 số trường hợp bị mắc sởi, có thể dẫn đến tử vong.

- Viêm não, xảy ra ở khoảng 1/1.000 số người mắc bệnh sởi.

- Tiêu chảy và ói mửa do sởi, thường xảy ra cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ nhũ nhi.

- Mờ hoặc loét giác mạc có thể gây mù lòa, một biến chứng rất nguy hiểm của sởi.

- Suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em hậu nhiễm sởi, làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

- Phụ nữ có thai mắc bệnh sởi có thể bị sảy thai, sinh non hay sinh trẻ nhẹ cân.

Chăm sóc trẻ nhiễm sởi đúng cách tại nhà

Khi phát hiện có trẻ mắc sởi, điều quan trọng cần chú ý là thực hiện việc cách ly trẻ bệnh với các trẻ lành. Người chăm sóc trẻ bệnh phải rửa tay sạch sẽ trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bệnh, rồi mới được chăm sóc trẻ lành.

Do bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao nên việc phòng ngừa bệnh, tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng là điều phụ huynh cần chú ý. Mọi người cần giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh, giữ gìn phòng ốc thông thoáng, sạch sẽ.

Nâng cao sức đề kháng cho trẻ nhỏ bằng chế độ ăn với đầy đủ dưỡng chất cần thiết, đồng thời tăng cường lượng nước uống giàu vitamin nhất là vitamin A để bảo vệ đôi mắt của trẻ mắc bệnh sởi.

Tránh quan niệm cho bệnh nhân kiêng tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn.

Trong trường hợp đã có tiếp xúc nguồn lây, việc sử dụng globulin miễn dịch có thể phòng ngừa bệnh hoặc làm giảm mức độ nặng của sởi. Tuy nhiên, đây là phương thức phòng ngừa đắt tiền và ít phổ biến.

Ngoài ra, một phương pháp phòng ngừa vô cùng hiệu quả và an toàn là sử dụng vắc-xin để tiêm ngừa cho trẻ.

Thực hiện chủ động việc tiêm ngừa bệnh sởi

Phòng bệnh bằng vắc-xin được khuyến cáo khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (gọi tắt là EPI).

Tuy nhiên theo, các nhà khoa học, việc tiêm một mũi vắc-xin duy nhất không đủ tạo ra miễn dịch bền vững và rộng rãi trong cộng đồng vì tỉ lệ trẻ tiêm phòng bệnh bị “sót” cũng như tỉ lệ được miễn dịch của vắc-xin này cũng chỉ đạt ở mức 90%. Do vậy, cần phải tiêm nhắc lại mũi thứ 2 lúc trẻ được 18 tháng tuổi, việc tiêm liều thứ 2 có thể tạo miễn dịch đạt tới 99%.

Từ chiến dịch tiêm chủng mở rộng được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước, đến nay tỉ lệ mắc bệnh sởi ở Việt Nam đã giảm một cách rõ rệt. Ngành Y tế nước ta đã đặt ra mục tiêu, phấn đấu sẽ đạt được tỉ lệ mắc sởi chỉ còn 80 - 85 trường hợp mắc sởi mỗi năm vào năm 2012, đây là yêu cầu đặt ra khi thực hiện việc thanh toán bệnh sởi trong cộng đồng.

Vắc-xin sởi đã được chứng minh hiệu quả bảo vệ cao sau khi tiêm ngừa, hơn 90% trẻ tiêm ngừa được bảo vệ phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, đây là một vắc-xin rất an toàn vì rất hiếm hoặc hầu như không có trường hợp nào xảy ra phản ứng nghiêm trọng sau tiêm ngừa.

ThS.BS. ĐINH THẠC (BV. Nhi Đồng 1 - TP.HCM)-suckhoedoisong
Read more...

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Nam sinh lớp 9 Nhiễm HIV do bị lạm dụng khi đi học bơi

04:41 0
 

Chuyện đau lòng này xảy ra với một học sinh nam, đang học lớp 9 một trường trung học cơ sở ở Q.Tân Bình, TP.HCM. Cả cha mẹ em và bản thân em này đều khóc hết nước mắt khi được bác sĩ thông báo em bị nhiễm HIV.

Người cảnh báo về trường hợp này là bác sĩ Trương Hữu Khanh - tiểu ban nhi Ủy ban phòng chống AIDS TP.HCM, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM. Bác sĩ Khanh kể em học sinh này được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám bệnh với triệu chứng ốm yếu, sốt, ho, các bác sĩ đã cho em xét nghiệm máu và kết quả dương tính với HIV. Được sự động viên, em học sinh này mới kể lại câu chuyện đau lòng xảy ra với mình. Khoảng tháng 10-2013, em được đi học bơi ở một hồ bơi trên địa bàn Q.Tân Bình. Ngay buổi học đầu tiên, khi em vào phòng thay đồ để đi về thì bị một thanh niên lạ mặt, dáng người cao to, khoảng 30 tuổi xông vào phòng, bịt chặt miệng em lại không cho la lên và lạm dụng em qua đường hậu môn. Hai buổi học tiếp theo, em cũng bị người lạ mặt này xông vào và làm chuyện tương tự nên đến buổi học cuối cùng, em sợ quá không dám đến hồ bơi mà trốn buổi học này.

Khoảng 5-6 tháng sau khi bị lạm dụng, em bắt đầu có biểu hiện ốm yếu, sốt, ho nên gia đình mới đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 và bác sĩ phát hiện em bị nhiễm HIV. Theo bác sĩ Hữu Khanh, quan sát em qua các buổi tham vấn cho thấy khả năng em bị nhiễm HIV do bị lạm dụng khi đi học bơi là có cơ sở chứ em không thể tự tạo ra câu chuyện bị lạm dụng này. Đến nay, gia đình em vẫn chưa báo với nhà trường biết về việc con mình bị lạm dụng khi đi học bơi và đã bị nhiễm HIV.

Bác sĩ Khanh còn cho biết tháng 8-2013, bệnh viện cũng tiếp nhận và xét nghiệm một sinh viên nam 19 tuổi bị nhiễm HIV và cũng cho biết bị lạm dụng tương tự như vậy ở một hồ bơi tại Q.12. Theo lời kể của nam sinh viên này, khoảng tháng 3-2013, khi đang là học sinh trung học phổ thông, em có đi bơi. Một lần, khi bơi xong, hồ bơi rất vắng, em vào phòng thay đồ và bị một thanh niên cao lớn, ở độ tuổi ngoài 30 bất ngờ xông vào phòng bịt miệng và lạm dụng qua đường hậu môn. Sau đó khoảng năm tháng, em bắt đầu xuất hiện triệu chứng nhiễm HIV và được xét nghiệm. Hiện sinh viên này đang được điều trị bằng thuốc ARV (thuốc kháng virút HIV) và sức khỏe ổn định.

Bác sĩ Hữu Khanh nói ông thật sự rất lo lắng vì không loại trừ có thể còn một vài em khác cũng đã bị đối tượng xấu lạm dụng tương tự. Nếu không lên tiếng cảnh báo thì có thể đã có em bị lạm dụng tương tự nhưng không dám nói với gia đình, không đến cơ quan y tế kịp thời để khi sức khỏe có vấn đề, xuất hiện triệu chứng HIV mới tới thì đã chậm trễ.

Tuổi trẻ
Read more...

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Người lớn vô ý, trẻ gặp nạn

07:44 0

Chỉ vì trò chơi không an toàn, vì cha mẹ bất cẩn mà một số trẻ bị cụt tay, cụt chân khi còn rất nhỏ.

Khi chở trẻ đi xe máy, phụ huynh phải cẩn thận để tránh chân của trẻ bị cuốn vào căm xe - Ảnh : N.C.T.

Mấy ngày vừa qua Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM liên tục tiếp nhận cấp cứu, điều trị bệnh nhi bị tai nạn vì lý do này. Các bác sĩ của bệnh viện phải lên tiếng cảnh báo để ngăn chặn sớm những tai nạn khác cho trẻ có thể tiếp tục xảy ra.

Chơi lắc vịt, cụt bàn tay

Sáng 26-10, nằm trong phòng săn sóc đặc biệt, bé T.N.A.T. (5 tuổi, Đức Hòa, Long An) khóc nấc từng hồi vì đau. Bé có khuôn mặt rất xinh, đôi mắt đen tròn vẫn còn nguyên vẻ sợ hãi. Toàn bộ cánh tay phải của bé từ khuỷu tay trở xuống băng trắng toát, không còn bàn tay.

Bác sĩ Mai Trọng Tường - trưởng khoa vi phẫu Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP - cho biết bé T. được chuyển cấp cứu từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, qua Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình ngày 23-10. Bé được bác sĩ của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP phẫu thuật hai lần để nối ghép động mạch bàn tay bị đứt, nhưng do mạch máu giập quá nhiều nên sau khi nối đã tắc lại. Sau đó bé có biểu hiện nhiễm trùng nên bệnh viện tiến hành hội chẩn và quyết định tháo bỏ bàn tay ở vị trí khớp cổ tay để bảo toàn tính mạng cho bé.

Chấn thương gót chân có thể để lại tật

Tại khoa chỉnh hình nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, bác sĩ Hồ Ngọc Cẩn cho biết khoa thường xuyên tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị lóc da gót chân, mất da gót chân do cha mẹ sơ ý để con đút chân vào căm bánh xe máy. Những tai nạn lóc da, mất da gót chân này thường xảy ra với trẻ được chở trên các xe máy đời cũ, không có tấm chắn an toàn bánh sau.

Mới nhất là trường hợp bé A.M.H.T. (6 tuổi, Đồng Nai) nhập viện ngày 20-10. Trước khi đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP, bé đã được điều trị ở bệnh viện địa phương nhưng vết thương không lành. Khi nhập viện, gót chân phải của bé có vết thương 20cm, mưng mủ vàng. Bé được cắt lọc vết thương, sau đó có thể tiến hành xoay da, ghép da để điều trị tiếp.

Theo các bác sĩ, việc điều trị một ca bị lóc da, mất da gót chân rất khó, có khi kéo dài 1-2 tháng và tốn kém nếu phải phẫu thuật nhiều lần. Trong trường hợp nếu trẻ bị mất da gót chân kèm thêm đứt gân gót thì không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ sau này mà có khi còn để lại tật khi đi, đứng.

Chị N.M.T. - mẹ bé T. - cho biết khoảng 20g ngày 22-10 chị cho bé T. đến chơi trò lắc vịt tại khu đất trống trước một nhà sách ở huyện Đức Hòa, Long An. Khu trò chơi này có nhiều trò như đu quay, tàu bay, đi ngựa, lắc vịt... Chị kể trò chơi con vịt khi ngồi lên, nhấn nút hoạt động sẽ lắc qua lắc lại, có hình dáng hơi giống chiếc xe máy, có chỗ để chân và hai tay cầm.

Phía sau con vịt là một môtơ vận hành, không có gì che chắn. Khi bé T. ngồi lên con vịt, ngả dựa người ra sau và để tay ra ngoài thì bị môtơ cuốn ngay lấy bàn tay rồi cánh tay. Rất may người nhà bé kịp thời dùng dép chặn môtơ cho ngừng lại. Lúc gỡ bé ra khỏi môtơ con vịt thì bàn tay gần như đứt lìa hoàn toàn, chỉ còn một tí da và gân dính với cổ tay, cánh tay bé bị giập nát, mặt bị xây xát.

Nói chuyện với chúng tôi, chị T. cứ ân hận vì không biết đưa bé lên thẳng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM để điều trị, khâu nối bàn tay kịp thời, nên khi đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, bàn tay của bé T. đã tím và bác sĩ tại đây nói quá trễ.

Đi xe máy, mất ngón chân

Trong khi đó, ngày 23-10 khoa chỉnh hình nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP cũng tiếp nhận điều trị bé T.P.H. (6 tháng tuổi, Bình Phước) bị vết thương mặt lòng bàn chân phải, mất ngón 1 và ngón 2 bàn chân đó.

Mẹ bé H. là chị N.T.K. kể 14g ngày 23-10 khi chồng chị đang chở ba mẹ con đi bằng xe máy thì nghe tiếng bé H. khóc thét lên đau đớn. Chồng chị thắng gấp lại thì đã muộn vì một phần chiếc khăn lớn chị dùng quấn cho bé H. đã bị cuốn vào bánh xe máy. Bánh xe lôi tuột chiếc khăn và chân phải của bé vào căm bánh xe. Khi mở khăn ra, hai ngón chân nhỏ xíu của bé H. bị đứt lìa.

Do bé quá nhỏ và mạch máu cũng quá nhỏ nên các bác sĩ không thể nối lại hai ngón chân bị đứt. Ngoài việc con bị cụt mất hai ngón chân, chị K. còn không có sẵn tiền để đóng viện phí cho con. Một số bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện phải giúp đỡ để chị K. có được gần 2 triệu đồng đóng viện phí ban đầu cho con.

Bác sĩ Phan Văn Tiếp - trưởng khoa chỉnh hình nhi - cho biết trước đây cũng có trường hợp bé sơ sinh mới vài ngày tuổi tử vong do bất cẩn của người mẹ. Đó là một sản phụ sau khi sinh được người nhà chở về bằng xe máy. Khi choàng khăn cuốn bé đưa về nhà, người mẹ đã không cuốn khăn cho gọn gàng, chặt chẽ nên chiếc khăn tuột ra và cuốn vào căm bánh sau xe máy, kéo theo bé rơi xuống đất và bị tử vong.

Các bác sĩ khuyên khi bồng trẻ nhỏ có cuốn khăn, chở trẻ đi xe máy, phụ huynh phải hết sức chú ý, cẩn thận để tránh chân của trẻ bị cuốn vào căm xe. Với phụ huynh khi thấy trò chơi không an toàn, có thể gây nguy hiểm cho trẻ thì không nên cho chơi. Ngoài ra, việc các cá nhân, đơn vị đứng ra tổ chức các khu trò chơi cũng cần được cơ quan chức năng kiểm tra, quản lý để đảm bảo cho trẻ khi tham gia trò chơi được an toàn.

Read more...

Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2010

Cậu bé 4 năm không dám ăn gì

08:45 0
Sau một lần bị trào ngược thực quản hồi nhỏ gây đau đớn khủng khiếp, Daniel Harrison sợ thức ăn đến nỗi em từ chối ăn bất cứ thứ gì trong 4 năm qua.

Kể từ đó, dưỡng chất được truyền vào cậu bé người Anh thông qua một cái ống nhựa gắn trực tiếp vào dạ dày. Giờ đây, cha mẹ bé đang hy vọng quyên góp được 20.000 euro để đưa em tới một bệnh viện ở Áo, nơi các bác sĩ khẳng định đã điều trị thành công tình trạng này.

Ảnh: Metro.co.uk.
Cậu bé sợ ăn vì từng bị trào ngược dạ dày. Ảnh: Metro.co.uk.

Bố của bé, anh Kevin, 41 tuổi, nói với tờ Mirror: “Chẳng có bệnh tật nào ngăn con tôi ăn uống, mà chỉ là trong suy nghĩ của nó, thế mà vẫn chưa có ai có thể giúp nó vượt qua nỗi sợ đó”.

“Là ông bố ngồi bên bàn ăn với con trai mình, với tất cả mớ máy móc và ống truyền thức ăn đó, tôi biết cảm giác của mọi người sẽ như thế nào khi nhìn thấy nó”, anh tâm sự.

“Vợ tôi và tôi lo sợ chuyện gì sẽ xảy ra nếu chẳng may chúng tôi có mệnh hệ gì, chúng tôi chỉ muốn Daniel tự ăn uống được”.

Cậu bé không chịu ăn đường miệng vì sợ hãi quá khứ hồi nhỏ.
Cậu bé không chịu ăn đường miệng vì sợ hãi quá khứ hồi nhỏ, giờ đây bé được nuôi bằng ống thông thẳng vào dạ dày. Ảnh: haberturk.com.

Các bác sĩ tin rằng chứng bệnh ám ảnh sợ ăn (được xác định chỉ có 12 người mắc trong 22 năm qua) bắt đầu từ một lần trào ngược axit mà Daniel bị từ khi còn bé.

VNE

Read more...

Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

Nghiện Internet và trầm cảm

01:11 0

Lứa tuổi thiếu niên rất dễ đắm mình trong thế giới của mạng Internet và nhiều bạn trẻ sử dụng Internet như yếu tố làm thỏa mãn cảm xúc, nhận thức mới.

Trẻ dễ bị lôi cuốn vào các trò chơi trực tuyến có màu sắc bạo lực nếu không được người lớn quan tâm, theo sát - Ảnh: T.T.D.

Phạm Thanh H., một học sinh cấp II tại TP Biên Hòa, Đồng Nai, được mẹ đưa đi khám tâm lý với lý do hay căng thẳng, mệt mỏi, chán ăn, rối loạn giấc ngủ, suy nhược, luôn cảm thấy buồn rầu chán nản, nhiều lần trốn học...

Giải tỏa trong thế giới ảo

Khi bạn trẻ “chơi vơi” trong đời thực

Sự thiếu hụt kỹ năng xã hội, thiếu giá trị tự định hướng thường dễ dẫn tới sử dụng và nghiện Internet. Bên cạnh đó, cả hai yếu tố thiếu hụt kỹ năng xã hội, thiếu định hướng bản thân cũng là dấu hiệu báo trước cho một trường hợp trầm cảm, đặc biệt rất dễ xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Cảm giác cô đơn, lo lắng bị bỏ rơi là yếu tố dự báo dẫn tới nghiện Internet và trầm cảm. Mặt khác, yếu tố khí chất và tính cách cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của nghiện Internet, từ đó có thể dẫn tới trầm cảm.

Các bất hòa trong quan hệ gia đình, bạo lực gia đình... có xu hướng dẫn tới nghiện Internet hoặc các rối loạn tâm thần khác nhau. Các nghiên cứu đều dẫn chứng những trường hợp nghiện Internet là bởi ít được sự quan tâm của gia đình, hay bị đánh đập, gia đình không hòa thuận... Những khó khăn thực tế đó làm họ chỉ muốn rút vào cuộc sống trên mạng, từ đó rất dễ dẫn tới cảm xúc trầm cảm.

Thanh H. cho biết thường xuyên thủ dâm hằng ngày, điều này làm mệt mỏi, rất lo lắng và căng thẳng. Khi được tìm hiểu sâu hơn qua các buổi chia sẻ, H. kể mình hay sử dụng Internet quá mức.

H. bắt đầu sử dụng Internet hơn một năm trước và lúc đầu chỉ theo nhóm bạn chơi trò chơi trực tuyến (game online). Tuy nhiên, game online ngày càng cuốn hút H. với các hình ảnh gợi dục. Khi chơi game online, H. còn được thỏa mãn mong muốn tán gẫu với bạn bè...

Từ đó H. bắt đầu trốn học.

Cách đây nửa năm, ba mẹ H. muốn con có điều kiện học nên đã lắp đặt mạng Internet tại nhà. Chính vì vậy thời lượng sử dụng Internet của H. ngày càng tăng. Gần sáu tháng nay, mỗi ngày H. sử dụng Internet lên đến năm tiếng, từ chơi game online đến tham gia các phòng tán gẫu, xem các trang mạng khiêu dâm mà cha mẹ hoàn toàn không biết...

Triệu chứng bệnh lý của H. không dừng lại ở trầm cảm và lo âu, còn có các rối loạn hành vi, nghiện tình dục và nghiện Internet.

Mối quan hệ hai chiều

Trong một chương trình nghiên cứu ba năm dưới sự tài trợ của chính phủ, bác sĩ tâm thần nhi Ahn Dong Hyun tại Đại học Hanyang, Seoul cho rằng khoảng 2,4 triệu người Hàn Quốc dưới 18 tuổi bị nghiện Internet. Có lẽ áp lực học hành khiến nhiều học sinh bị stress và tìm lối thoát trong chơi game.

Trong khi đó, tỉ lệ nghiện Internet ở sinh viên Trung Quốc khoảng 10,6%.

Tại Việt Nam, báo cáo của Trung tâm Tham vấn tâm lý (thuộc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2) cho thấy hằng năm có 5-7% trên tổng số người đến khám và điều trị rơi vào trạng thái sử dụng Internet quá mức, đa số là thanh thiếu niên. Nhiều năm qua, các nhà thực hành lâm sàng và các nhà nghiên cứu đã phác thảo một bức tranh khá đầy đủ về nghiện Internet.

Một vấn đề được bàn luận nhiều là quan hệ giữa nghiện Internet và các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi, tăng động giảm chú ý... trong đó trầm cảm được quan tâm hơn cả.

Nhiều nhà nghiên cứu của Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Úc, Trung Quốc... đều cho rằng nghiện Internet và trầm cảm có mối quan hệ với nhau. Bệnh nhân trầm cảm thường gia tăng cấp bậc nghiện Internet và ngược lại.

Một nghiên cứu của TS Lawrence Lam (Úc) và Zi Wen Peng (Trung Quốc) đã tiến hành điều tra hơn 1.000 thanh thiếu niên, độ tuổi trung bình 15 với các câu hỏi về việc sử dụng Internet.

Ở thời điểm bắt đầu tiến hành nghiên cứu, chỉ 6% trong số hơn 1.000 người có dấu hiệu khó khăn cảm xúc, có thể dẫn tới bệnh lý trầm cảm của người sử dụng Internet: thường xuyên chán chường, mệt mỏi, lo lắng...

Và những điều đó dẫn đến việc họ lại tiếp tục lang thang trên mạng. Song, không ai trong số hơn 1.000 người bị trầm cảm vào thời điểm bắt đầu tiến hành nghiên cứu.

Tuy nhiên, chín tháng sau, hơn 1.000 thanh thiếu niên này được đánh giá một lần nữa về những dấu hiệu của bệnh trầm cảm, kết quả hơn 80 người (8%) mắc hội chứng trầm cảm. Kiểm tra thời gian sử dụng Internet của họ thì thấy cao hơn hẳn so với những người khác.

Làm gì để chống nghiện?

Để bạn trẻ không rơi vào các tệ nạn và các vấn đề sức khỏe tâm thần thì gia đình phải là môi trường an toàn, hạnh phúc. Cha mẹ cần tạo cho con cái sự thoải mái, tự lập hoàn toàn. Bên cạnh đó, cha mẹ luôn là bạn, là người chia sẻ và giúp con cái phát triển một cách đồng đều.

Kế tiếp, nghiên cứu các trường hợp nghiện Internet cho thấy nguyên nhân do thiếu kỹ năng sống, giá trị sống nổi lên hàng đầu. Chính vì thế, ngoài việc quan tâm của gia đình thì ngành giáo dục và các tổ chức xã hội cần định hướng xây dựng chương trình giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống cho các bạn trẻ.

Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe thể chất, bồi dưỡng kiến thức và vun bồi đời sống tinh thần cho các bạn trẻ rất quan trọng. Muốn làm được điều này, đòi hỏi cần xây dựng các phòng tư vấn tâm lý học đường, giảm tải chương trình học tập và đưa chương trình ngoại khóa vào trường học một cách sinh động, có hiệu quả.

Và nếu không may khi các bạn trẻ rơi vào chứng trầm cảm và các rối loạn cảm xúc liên quan đến nghiện Internet, gia đình cần đưa họ đến các trung tâm chuyên môn để xác định tình trạng và mối quan hệ giữa nghiện Internet và chứng trầm cảm. Từ đó mới có chương trình phục hồi tốt và nhanh hơn.

Điều trị cần phối hợp giữa hóa dược, liệu pháp tâm lý và sự giúp đỡ của gia đình, có khi cả nhà trường nơi các bạn trẻ đang học tập.

LÊ MINH CÔNG (Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2) - TTO
Read more...

Không sử dụng thuốc loperamid cho trẻ dưới 6 tuổi

01:10 0
Loperamid (loperamid hydrochlorid), là một loại thuốc được các bác sĩ kê để trị tiêu chảy. Bên cạnh tác dụng làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch đường tiêu hóa và tăng trương lực cơ thắt hậu môn. Thuốc còn có tác dụng kéo dài thời gian vận chuyển qua ruột, tăng vận chuyển dịch và chất điện giải qua niêm mạc ruột do đó làm giảm sự mất nước và điện giải, giảm lượng phân. Do thuốc có tác dụng để chữa triệu chứng trong các trường hợp tiêu chảy cấp không rõ nguyên nhân, không có biến chứng ở người lớn và một số tình trạng tiêu chảy mạn tính. Trong đó thuốc được chống chỉ định với những trường hợp mẫn cảm với thuốc hoặc khi cần tránh ức chế nhu động ruột, khi có tổn thương gan, viêm đại tràng nặng, hội chứng lỵ hoặc khi bụng trướng. Thận trọng dùng đối với các trường hợp giảm chức năng gan hoặc viêm loét đại tràng. Khi được các bác sĩ kê thì người sử dụng cần theo dõi nhu động ruột, lượng phân, nhiệt độ cơ thể, bụng trướng... và hãy ngừng thuốc nếu không thấy có kết quả trong vòng 48 giờ (2 ngày) điều trị.
Cho bé uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Khi điều trị tiêu chảy cấp thì biện pháp hàng đầu là dự phòng hoặc điều trị tình trạng mất nước và điện giải. Thuốc không có vai trò thay thế liệu pháp bù nước và điện giải bằng đường uống. Đặc biệt trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em. Thuốc có tác dụng phụ như táo bón, đau bụng, buồn nôn, nôn. Ít gặp hơn là trướng bụng, nhức đầu, chóng mặt và hiếm gặp là dị ứng, tắc ruột do liệt ruột...

Nếu sử dụng cho trẻ nhỏ (dưới 6 tuổi), thuốc có tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương như ngủ gật, trầm cảm, hôn mê... Vì vậy, để an toàn trong sử dụng, loperamid được khuyến cáo không dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi mà chỉ được dùng cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên.

Dược sĩ Trần Thuý Mỵ

Read more...