Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

#

Người lớn vô ý, trẻ gặp nạn

Chỉ vì trò chơi không an toàn, vì cha mẹ bất cẩn mà một số trẻ bị cụt tay, cụt chân khi còn rất nhỏ.

Khi chở trẻ đi xe máy, phụ huynh phải cẩn thận để tránh chân của trẻ bị cuốn vào căm xe - Ảnh : N.C.T.

Mấy ngày vừa qua Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM liên tục tiếp nhận cấp cứu, điều trị bệnh nhi bị tai nạn vì lý do này. Các bác sĩ của bệnh viện phải lên tiếng cảnh báo để ngăn chặn sớm những tai nạn khác cho trẻ có thể tiếp tục xảy ra.

Chơi lắc vịt, cụt bàn tay

Sáng 26-10, nằm trong phòng săn sóc đặc biệt, bé T.N.A.T. (5 tuổi, Đức Hòa, Long An) khóc nấc từng hồi vì đau. Bé có khuôn mặt rất xinh, đôi mắt đen tròn vẫn còn nguyên vẻ sợ hãi. Toàn bộ cánh tay phải của bé từ khuỷu tay trở xuống băng trắng toát, không còn bàn tay.

Bác sĩ Mai Trọng Tường - trưởng khoa vi phẫu Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP - cho biết bé T. được chuyển cấp cứu từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, qua Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình ngày 23-10. Bé được bác sĩ của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP phẫu thuật hai lần để nối ghép động mạch bàn tay bị đứt, nhưng do mạch máu giập quá nhiều nên sau khi nối đã tắc lại. Sau đó bé có biểu hiện nhiễm trùng nên bệnh viện tiến hành hội chẩn và quyết định tháo bỏ bàn tay ở vị trí khớp cổ tay để bảo toàn tính mạng cho bé.

Chấn thương gót chân có thể để lại tật

Tại khoa chỉnh hình nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, bác sĩ Hồ Ngọc Cẩn cho biết khoa thường xuyên tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị lóc da gót chân, mất da gót chân do cha mẹ sơ ý để con đút chân vào căm bánh xe máy. Những tai nạn lóc da, mất da gót chân này thường xảy ra với trẻ được chở trên các xe máy đời cũ, không có tấm chắn an toàn bánh sau.

Mới nhất là trường hợp bé A.M.H.T. (6 tuổi, Đồng Nai) nhập viện ngày 20-10. Trước khi đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP, bé đã được điều trị ở bệnh viện địa phương nhưng vết thương không lành. Khi nhập viện, gót chân phải của bé có vết thương 20cm, mưng mủ vàng. Bé được cắt lọc vết thương, sau đó có thể tiến hành xoay da, ghép da để điều trị tiếp.

Theo các bác sĩ, việc điều trị một ca bị lóc da, mất da gót chân rất khó, có khi kéo dài 1-2 tháng và tốn kém nếu phải phẫu thuật nhiều lần. Trong trường hợp nếu trẻ bị mất da gót chân kèm thêm đứt gân gót thì không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ sau này mà có khi còn để lại tật khi đi, đứng.

Chị N.M.T. - mẹ bé T. - cho biết khoảng 20g ngày 22-10 chị cho bé T. đến chơi trò lắc vịt tại khu đất trống trước một nhà sách ở huyện Đức Hòa, Long An. Khu trò chơi này có nhiều trò như đu quay, tàu bay, đi ngựa, lắc vịt... Chị kể trò chơi con vịt khi ngồi lên, nhấn nút hoạt động sẽ lắc qua lắc lại, có hình dáng hơi giống chiếc xe máy, có chỗ để chân và hai tay cầm.

Phía sau con vịt là một môtơ vận hành, không có gì che chắn. Khi bé T. ngồi lên con vịt, ngả dựa người ra sau và để tay ra ngoài thì bị môtơ cuốn ngay lấy bàn tay rồi cánh tay. Rất may người nhà bé kịp thời dùng dép chặn môtơ cho ngừng lại. Lúc gỡ bé ra khỏi môtơ con vịt thì bàn tay gần như đứt lìa hoàn toàn, chỉ còn một tí da và gân dính với cổ tay, cánh tay bé bị giập nát, mặt bị xây xát.

Nói chuyện với chúng tôi, chị T. cứ ân hận vì không biết đưa bé lên thẳng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM để điều trị, khâu nối bàn tay kịp thời, nên khi đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, bàn tay của bé T. đã tím và bác sĩ tại đây nói quá trễ.

Đi xe máy, mất ngón chân

Trong khi đó, ngày 23-10 khoa chỉnh hình nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP cũng tiếp nhận điều trị bé T.P.H. (6 tháng tuổi, Bình Phước) bị vết thương mặt lòng bàn chân phải, mất ngón 1 và ngón 2 bàn chân đó.

Mẹ bé H. là chị N.T.K. kể 14g ngày 23-10 khi chồng chị đang chở ba mẹ con đi bằng xe máy thì nghe tiếng bé H. khóc thét lên đau đớn. Chồng chị thắng gấp lại thì đã muộn vì một phần chiếc khăn lớn chị dùng quấn cho bé H. đã bị cuốn vào bánh xe máy. Bánh xe lôi tuột chiếc khăn và chân phải của bé vào căm bánh xe. Khi mở khăn ra, hai ngón chân nhỏ xíu của bé H. bị đứt lìa.

Do bé quá nhỏ và mạch máu cũng quá nhỏ nên các bác sĩ không thể nối lại hai ngón chân bị đứt. Ngoài việc con bị cụt mất hai ngón chân, chị K. còn không có sẵn tiền để đóng viện phí cho con. Một số bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện phải giúp đỡ để chị K. có được gần 2 triệu đồng đóng viện phí ban đầu cho con.

Bác sĩ Phan Văn Tiếp - trưởng khoa chỉnh hình nhi - cho biết trước đây cũng có trường hợp bé sơ sinh mới vài ngày tuổi tử vong do bất cẩn của người mẹ. Đó là một sản phụ sau khi sinh được người nhà chở về bằng xe máy. Khi choàng khăn cuốn bé đưa về nhà, người mẹ đã không cuốn khăn cho gọn gàng, chặt chẽ nên chiếc khăn tuột ra và cuốn vào căm bánh sau xe máy, kéo theo bé rơi xuống đất và bị tử vong.

Các bác sĩ khuyên khi bồng trẻ nhỏ có cuốn khăn, chở trẻ đi xe máy, phụ huynh phải hết sức chú ý, cẩn thận để tránh chân của trẻ bị cuốn vào căm xe. Với phụ huynh khi thấy trò chơi không an toàn, có thể gây nguy hiểm cho trẻ thì không nên cho chơi. Ngoài ra, việc các cá nhân, đơn vị đứng ra tổ chức các khu trò chơi cũng cần được cơ quan chức năng kiểm tra, quản lý để đảm bảo cho trẻ khi tham gia trò chơi được an toàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét