Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

#

Tìm “thủ phạm” gây dịch tay chân miệng

Ngày 9-6, Viện Pasteur TP.HCM cho biết “thủ phạm” gây dịch tay chân miệng tại TP.HCM là virut EV71 phân nhóm C4.

Do quá tải, nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải nằm ngoài hành lang Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - Ảnh: T.Dương

Theo TS.BS Trần Ngọc Hữu - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, chỉ trong năm tháng đầu năm 2011 tại 20 tỉnh, thành phố phía Nam đã có gần 7.000 trẻ em mắc bệnh tay chân miệng, với 24 ca tử vong. Trong khi cả năm 2010 số mắc khoảng 10.000 ca, tử vong sáu ca. Riêng TP.HCM, từ đầu năm đến tháng 5-2011 có gần 2.700 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 13 ca tử vong.

Type gây dịch

TS Trần Ngọc Hữu cho biết theo các tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm năm gần đây một số type EV71 có khả năng gây ra thành dịch bệnh tay chân miệng lớn ở một số nước châu Á là B3, B4, C2 và C4. Trong đó, năm 2008-2009, ở Trung Quốc dịch tay chân miệng bùng phát do type C4 hoành hành.

Năm 2011 Viện Pasteur TP đã xét nghiệm bệnh phẩm của 174 bệnh nhân có triệu chứng tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 ở TP.HCM và nhiều tỉnh khu vực phía Nam như Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An... gửi đến. Kết quả xét nghiệm cho thấy có 43/174 ca nhiễm EV71, chiếm tỉ lệ 25% tổng số bệnh nhân có triệu chứng. Trong số những ca dương tính với virut EV71, có năm ca tử vong.

Ngoài ra, còn xác định thêm trên chín bệnh nhi bị mắc bệnh tay chân miệng cho thấy có tám bệnh nhi (trong đó hai ca tử vong) tại TP.HCM nhiễm virut EV71 type C4 và một bệnh nhi ở Đồng Tháp nhiễm virut EV71 type C5.

Trước đây, dịch tay chân miệng tại VN đều do virut EV71 type C1, C4 và C5 gây ra.

Cách đây khoảng nửa tháng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết kết quả xét nghiệm năm mẫu bệnh phẩm từ các ca tử vong tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 xác định 2/5 mẫu là EV71 type B2. Và cho rằng B2 lần đầu tiên xuất hiện ở VN.

Quan trọng là hồi sức cấp cứu tốt

Giám sát các trường hợp đến từ vùng dịch bệnh do E.coli

Liên quan đến căn bệnh do E.coli đang hoành hành ở châu Âu, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế giám sát các trường hợp đến từ vùng dịch, giám sát thực phẩm và các trường hợp nghi nhiễm bệnh tại các bệnh viện ở Hà Nội.

L.ANH

“Dù dịch tay chân miệng do type EV71 nào gây ra thì việc điều trị, hồi sức cấp cứu cũng như các biện pháp phòng chống dịch lây lan trong cộng đồng là như nhau” - TS Trần Ngọc Hữu khẳng định như vậy.

Song mức độ cảnh báo của type C4 sẽ nhiều hơn, vấn đề hậu cần trong phòng chống dịch như thuốc men, hóa chất, dịch truyền phải chuẩn bị chu đáo hơn, chủ động hơn. Nếu không chuẩn bị chu đáo có thể dẫn đến tình trạng thiếu thuốc điều trị, vấn đề này Viện Pasteur cũng đã lưu ý các địa phương để chuẩn bị dự trữ.

Trước tình hình dịch tay chân miệng diễn biến bất thường hơn năm trước, ngày 8-6 Cục Y tế dự phòng VN (Bộ Y tế) đã vào làm việc với Viện Pasteur TP.HCM, Sở Y tế TP xung quanh tình hình dịch bệnh này và đã có những chỉ đạo để có các biện pháp kịp thời hạ thấp số ca tử vong.

Theo ông Hữu, vừa qua Sở Y tế TP đã thành lập sáu đoàn kiểm tra tình hình phòng chống dịch tay chân miệng. Đồng thời thành lập một hội đồng chuyên môn gồm những chuyên viên có kinh nghiệm rà soát toàn bộ các ca tử vong tại TP để xem lại cách tổ chức điều trị, hồi sức cấp cứu có vấn đề gì không.

Riêng Viện Pasteur TP cũng đã có văn bản gửi trung tâm y tế dự phòng các tỉnh thành phía Nam, các bệnh viện đa khoa đề nghị tăng cường giám sát, kết hợp chặt chẽ cùng nhau để giám sát ca mắc; phối hợp cùng ngành giáo dục ở địa phương để giám sát dịch...

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh công bố type C4 gây dịch tay chân miệng do Viện Pasteur TP công bố, chiều 9-6 bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết các mẫu bệnh phẩm của Viện Pasteur TP và Bệnh viện Nhi Đồng 1 gửi qua Đài Loan xét nghiệm của những bệnh nhân khác nhau. Việc xác định type nào không quan trọng, không ảnh hưởng đến việc phòng chống dịch cũng như chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhi.

TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét