Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

#

Gạo màu giải đọc cho cơ thể

Không nhất thiết ngày nào cũng phải chén cơm gạo đỏ, gạo tím. Nhưng chục ngày trong tháng thay gạo trắng bằng gạo màu chính là biện pháp giải độc định kỳ cho cơ thể.

Nhờ tỷ lệ hài hòa giữa 3 thành phần sinh tố, khoáng tố và chất xơ mà gạo là món ăn lý tưởng vì vừa cung cấp năng lượng cấp thời nhưng không gây béo phì, vừa bổ sung nguồn dự trữ dưỡng chất nhưng không tăng mỡ trong máu.

Khéo hơn nữa, nhờ chất xơ mà ăn cơm không bị khó tiêu. Lá gan, trái thận nhờ đó khỏi mệt vì được nghỉ xả hơi thay vì phải làm công việc biến dưỡng cả ngày lẫn đêm.


Bệnh lý tăng

Đáng tiếc là từ khi có nhà máy xay gạo, hạt gạo tuy trắng hơn, bóng hơn, đẹp hơn nhưng lại đánh mất nhiều hoạt chất. Đáng nói hơn nữa là nhiều trường hợp bệnh lý trở thành nghiêm trọng từ khi chén cơm gạo trắng có mặt quá thường trên bàn ăn.

Do thiếu chất xúc tác biến dưỡng trong vỏ lụa của hạt gạo mà chất đường, chất mỡ trong khẩu phần đơn điệu có đủ điều kiện để trở thành đòn bẩy cho bệnh tiểu đường, xơ vữa mạch máu, thoái hóa ác tính… Nhiều nhà nghiên cứu đã không quá lời khi nghi ngờ gạo chà quá trắng là một trong các yếu tố dẫn đến nhiều căn bệnh "thời đại".
Biết cách dùng gạo còn vỏ lụa chứa anthocyanin để bảo vệ sức khỏe cũng tương tự như người hiểu chuyện làm ăn.

Chính vì thế mà ngay cả ở châu Âu, nhiều thầy thuốc đã từ lâu kêu gọi người tiêu dùng trở về với thiên nhiên, trở về với các món ăn chế biến đa dạng từ hột gạo còn nguyên vỏ lụa.

Lý do rất đơn giản: Bên cạnh tập thể sinh tố C, B1, B2, B3, B5, E và tiền sinh tố A cũng như các khoáng tố sắt, magnê, phosphor, kẽm, vôi, molybdan… cần thiết cho hoạt động tối ưu của hệ miễn nhiễm, hoạt chất trong vỏ lụa của hạt gạo, cụ thể là tập thể anthocyanin, với tác dụng trung hòa độc chất ôxy hoá trong môi trường ô nhiễm, chính là lợi thế của hạt gạo còn giữ màu của thiên nhiên.

Thật tiếc nếu bỏ quên gạo màu

Nhờ nhiều công trình nghiên cứu trong thập niên gần đây, hiện không còn ai nghi ngờ về tác dụng bảo vệ vi mạch, chống lão hóa và nhất là ngăn hiện tượng ngẫu biến trong cấu trúc của tế bào, nghĩa là phòng ngừa ung thư, của anthocyanin.

Thầy thuốc ở nhiều nước phương Tây ắt hẳn có lý do chính đáng như cổ động dùng anthocyanin để phòng tránh biến chứng trong bệnh tiểu đường, trong điều trị hậu ung thư. Đáng tiếc vì nhiều thầy thuốc vẫn chưa đặt anthocyanin trong màu của hạt gạo, vào vị trí quan trọng trong phác đồ điều trị.

Ung thư đã không thể tung hoành ngang dọc đến thế nếu thầy thuốc trong nhiều chục năm qua nhất quán với quan điểm là bệnh có thể dự phòng nếu tìm cách trung hoà độc tính của chất oxy-hóa trong môi trường ô nhiễm bằng cách mượn sức kháng bệnh từ thiên nhiên.

Thuốc nào vừa ngon, vừa thân thiết với người dân da vàng cho bằng chén cơm thơm phức? Tại sao lại tiếp tục đầu độc cơ thể đã mệt nhoài bằng hóa chất tổng hợp khi Huyết Rồng, Hắc Trân Châu, nếp Cẩm… đang chờ bàn tay nhà nghiên cứu của nhà khoa học và tri thức của thầy thuốc?

Quả thật vô cùng đáng tiếc nếu ngành nông xứ mình không đẩy mạnh việc nghiên cứu các giống lúa ít đường, nhiều đạm, dồi dào chất xơ và nhất là bọc kín bằng anthocyanin trong lớp vỏ lụa mang màu đẹp mắt.

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng viết theo tư liệu nghiên cứu của
Kỹ sư Hồ Quang Cua, Sóc Trăng
(danviet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét