Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

#

Cảnh báo mối nguy an toàn thực phẩm ngày Tết

Từ thực tế kiểm tra có nhiều loại thức ăn hàng rong, nước đá nhiễm khuẩn gây bệnh, cơ quan chức năng nhiều tỉnh thành cảnh báo đây có thể là mối nguy đe dọa sức khỏe người tiêu dùng trong dịp Tết.

Theo đại diện Sở y tế Quảng Ngãi, trong năm qua và những ngày cuối năm, các đoàn thanh tra liên ngành đã kiểm tra đột xuất hơn 8.200 cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm trên địa bàn, phát hiện đến 1.840 cơ sở vi phạm.

“Nhiều mẫu nước đá cây, đá viên tại tỉnh bị phát hiện nhiễm khuẩn E.coli. Ngoài ra, nước uống đóng chai và nhiều mẫu thịt cũng nhiễm khuẩn độc hại. Một số mẫu giò chả cũng có chứa hàn the với hàm lượng cao”, bác sĩ Nguyễn Văn Oai, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Ngãi cho hay.

Cũng theo ông Oai, kiểm tra các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, kết quả cho thấy các loại thức ăn đường phố đều có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn E.coli - loại khuẩn độc hại gây bệnh tiêu chảy.

“Một vài biến thể E.coli có trong thức ăn vốn tạo ra độc chất vô cùng độc hại có thể gây tiêu chảy ra máu. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, suy thận... Những tuýp E.coli khác có thể gây nhiễm trùng đường tiểu hoặc các loại nhiễm trùng khác ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng”, bác sĩ Oai nói.

Thức ăn hàng rong, quầy thức ăn đường phố
Thức ăn hàng rong, quầy thức ăn đường phố hiện chưa được quản lý an toàn vệ sinh. Ảnh: Trí Tín.

Tại Đà Nẵng, Sở Y tế tỉnh này cũng cho biết, trên 830 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm được phát hiện trong năm. Trong đó 730 cơ sở chưa được tập huấn về vệ sinh, không khám sức khỏe định kỳ lao động; 100 cơ sở sản xuất thực phẩm có vi sinh vật gây bệnh, điều kiện vệ sinh thực phẩm không an toàn cho người tiêu dùng.

Ở TP HCM, ngoài nhiều vụ phát hiện các cơ sở sản xuất bánh mứt, nước uống đóng chai không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đợt kiểm tra của những tháng cuối năm, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm còn phát hiện nhiều mẫu gia vị không đạt chuẩn về vi khuẩn hiếu khí, men mốc.

9 tấn tương không đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã bị tịch thu tiêu hủy. Hơn 30 tấn tương ớt buộc xử lý tái chế vì có lượng chất Natri benzoate vượt mức cho phép. Cũng trong năm 2010, nhiều cơ sở chế biến thức ăn bị lập biên bản xử lý hành chính vì không đảm bảo vệ sinh, khiến thức ăn gây ngộ độc cho người sử dụng.

Để chấn chỉnh tình hình trên, đồng thời đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt là dịp lễ Tết, tại Đà Nẵng, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết đã lập 67 đoàn kiểm tra liên ngành để thanh tra các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó trọng tâm nhất là kiểm tra các cơ sở sản xuất nem chả, bánh mứt, nước giải khát.

Theo bác sĩ Tiến, một số cơ sở chế biến thực phẩm lén lút sử dụng các hóa chất phụ gia trong quá trình sản xuất, chất phẩm màu ngoài danh mục như dùng hàn the, Rhodamin B, phoocmon trong nem chả, hạt dưa, bánh phở...; dễ gây tổn hại lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

“Nếu phát hiện những loại hóa chất cấm dùng trong thực phẩm hoặc không công bố tiêu chuẩn, cơ quan chức năng sẽ xử phạt nghiêm khắc, thậm chí có thể thu hồi giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động”, bác sĩ Tiến nhấn mạnh.

Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Ngãi cũng lên triển khai các biện pháp giảm thiểu mối nguy ô nhiễm thực phẩm như tăng cường công tác quản lý cơ sở chế biến thực phẩm, nhất là những cơ sở không thuộc diện đăng ký kinh doanh. Trường hợp phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng sẽ thông báo danh tính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo mối nguy cho cộng đồng. Chi cục cũng tập huấn và thực hiện cam kết với những cơ sở có thực phẩm bị ô nhiễm.

Tại TP HCM, công tác thanh kiểm tra các mặt hàng trọng yếu phục vụ Tết cũng đang được Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm gấp rút tiến hành

VNE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét