Cảnh giác với bệnh phổi kẽ
Bệnh phổi kẽ là các tổn thương gây ra sẹo tiến triển ở mô phổi, gây tình trạng khó thở và thiếu ôxy cho cơ thể. Hầu hết các ca bệnh tổn thương tiến triển dần dần, nhưng cũng có một số trường hợp xuất hiện đột ngột. Khi phổi đã bị sẹo thường không thể hồi phục.
Hít khói bụi, hóa chất, nhiễm khuẩn sẽ gây bệnh phổi kẽ
Các nghiên cứu cho thấy bệnh phổi kẽ do nhiều nguyên nhân gây ra: tiếp xúc lâu dài với một số độc tố hoặc các chất ô nhiễm; hít phải bụi silic, sợi amiăng, bụi kim loại; tiếp xúc với khói, hóa chất, xăng dầu, amoniac, khí clo... Hít phải các chất hữu cơ như: ngũ cốc, mía đường, bụi từ phân chim, động vật, nấm mốc. Nhiễm khuẩn: nhiễm virut, vi khuẩn, nấm và nhiễm ký sinh trùng. Bức xạ: bệnh nhân đã được trị liệu bức xạ thì mức độ bệnh nặng phụ thuộc liều bức xạ. Thuốc bao gồm các loại thuốc hóa trị, thuốc điều trị rối loạn nhịp tim và các bệnh tim mạch khác, thuốc tâm thần và một số thuốc kháng sinh.
Móng tay có đường cong trên các đỉnh (club) trong bệnh phổi kẽ.
Một số bệnh có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh phổi kẽ gồm: lupút, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren, bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây viêm phổi mạn tính có thể dẫn đến xơ hóa phổi. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không thể biết rõ nguyên nhân.
Các yếu tố nguy cơ gồm: viêm phổi kẽ, viêm tiểu phế quản, người trên 50 tuổi, hút thuốc lá thuốc lào, trào ngược dạ dày thực quản do acid dạ dày hoặc muối mật vào phổi.
Biểu hiện khi bị bệnh phổi kẽ
Bệnh nhân bị bệnh phổi kẽ có thể thấy các triệu chứng như sau: cảm giác khó thở, đặc biệt là trong hoặc sau khi lao động hay hoạt động thể lực vừa và nặng; ho khan. Thở khò khè. Khó thở và ho khô thường là dấu hiệu ban đầu. Đau ngực. Móng tay có thể có đường cong trên các đỉnh (club). Các triệu chứng có xu hướng nặng dần. Thời gian lâu khó thở diễn ra thường xuyên dù chỉ làm việc nhẹ như mặc quần áo, nói chuyện trên điện thoại, ăn uống.
Tổn thương phổi trong bệnh phổi kẽ.
Sở dĩ bệnh nhân bị khó thở là do: bệnh phổi kẽ gây viêm thành của các túi khí và các mô làm cho các túi khí bị dày lên và thành sẹo. Bình thường các túi khí đàn hồi cao, mở rộng và giãn nở nhịp nhàng theo từng hơi thở. Nhưng khi đã bị sẹo (xơ hóa) thành túi khí vừa cứng vừa dày làm cho khả năng đàn hồi co giãn của nó bị hạn chế, khí ôxy cũng khó vào máu qua những bức thành dày của túi khí làm cho cơ thể bị thiếu ôxy.
Chụp Xquang, chụp cắt lớp vi tính (CT), có thể thấy hình ảnh tổn thương của phổi. Xét nghiệm chức năng phổi (PFTs); tập thể dục thử nghiệm: vì các triệu chứng của bệnh phổi kẽ sẽ nặng lên khi hoạt động, bác sĩ có thể đánh giá chức năng phổi; nội soi phế quản... có thể giúp ích cho chẩn đoán bệnh.
Biến chứng thường gặp
Tổn thương trong bệnh phổi kẽ có thể dẫn đến một loạt các biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh: Thiếu ôxy trong máu; tăng huyết áp ở mạch máu phổi là tình trạng chỉ gây tăng huyết áp ở mạch máu trong phổi mà không gây tăng huyết áp toàn thân. Do mô sẹo cản trở lưu thông của các mao mạch trong phổi, hạn chế lưu lượng máu trong phổi dẫn đến tăng áp suất trong động mạch phổi, gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân; suy tim phải, suy hô hấp.
Lưu ý trong điều trị
Điều trị bệnh phổi kẽ cần kết hợp các loại thuốc sau đây: corticosteroid để chống viêm giúp giảm các triệu chứng bệnh. Thuốc này hiếm khi cải thiện chức năng phổi ở những người bị xơ hóa phổi. Tuy nhiên, không nên dùng thời gian dài vì corticosteroid có thể gây ra một số tác dụng phụ, như bệnh tăng nhãn áp, loãng xương, tăng đường huyết dẫn đến bệnh đái tháo đường, chậm lành vết thương, tăng tính nhạy cảm với nhiễm khuẩn. Azathioprine dùng kết hợp với corticosteroid để điều trị bệnh phổi kẽ. Acetylcystein có tác dụng chống ôxy hóa làm giảm tổn thương sẹo hóa phế nang. Anti - fibrotics cũng được dùng để làm giảm sự phát triển của mô sẹo. Ôxy liệu pháp có thể cải thiện giấc ngủ, giảm huyết áp ở buồng tim phải. Phục hồi chức năng phổi chủ yếu là biện pháp tập thể dục, thầy thuốc sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách hít thở hiệu quả hơn; phối hợp với việc ăn uống đủ chất, tạo tâm lý thoải mái để bệnh mau hồi phục.
Cấy ghép phổi trong các trường hợp: bị bệnh phổi kẽ trầm trọng mà các biện pháp điều trị khác không có kết quả.
ThS. Nguyễn Xuân Lục - Suckhoedoisong
Biện pháp phòng bệnh phổi kẽ
Bỏ hẳn thuốc lá thuốc lào; sử dụng quần áo bảo hộ lao động trong các nghề nghiệp phải tiếp xúc với các chất ô nhiễm, bụi silic, sợi amiăng, bụi kim loại, khói, hóa chất, bụi hữu cơ như ngũ cốc, mía đường, chăn nuôi chim, gà, động vật. Ðiều trị triệt để các bệnh nhiễm vi khuẩn, virut, nấm, ký sinh trùng. Toàn thân và nhất là bệnh ở phổi. Ðối với bệnh nhân đã sử dụng trị liệu bức xạ, hóa trị liệu hoặc dùng các thuốc điều trị bệnh tim mạch, thuốc tâm thần và một số thuốc kháng sinh... cần được theo dõi chặt chẽ, khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm bệnh phổi kẽ và điều trị kịp thời, kết hợp với chế độ ăn uống đầy đủ và tập luyện thể dục thường xuyên đều đặn. Ðiều trị tích cực các bệnh là nguyên nhân dẫn đến bệnh phổi kẽ như lupút, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp…