Hiển thị các bài đăng có nhãn benhviemgansieuvi_b. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn benhviemgansieuvi_b. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

“Chung sống hòa bình” với viêm gan siêu vi

08:42 0

Bệnh lây truyền bằng cách nào? Nên điều trị và theo dõi bệnh ra sao? Kết hôn với người bị bệnh viêm gan siêu vi có bị sao không?... Đó là những băn khoăn của nhiều bạn đọc gửi đến các bác sĩ tại buổi tư vấn trực tuyến về bệnh viêm gan siêu vi được Tuổi Trẻ tổ chức sáng qua 18-5.

Chích ngừa văcxin viêm gan B cho trẻ tại Bệnh viện Từ Dũ - Ảnh: N.C.T.

Gần 1.000 câu hỏi của bạn đọc về bệnh viêm gan siêu vi B, C và A được gửi đến các bác sĩ tham gia tư vấn trực tuyến chứng tỏ mức độ “nóng” và sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc đến căn bệnh thời sự này.

Theo dõi định kỳ

Về điều trị viêm gan siêu vi C, BS Nguyễn Hữu Chí - phó chủ nhiệm bộ môn nhiễm Đại học Y dược TP.HCM - cho biết ở VN cũng như trên thế giới, phác đồ điều trị tốt nhất cũng không mang lại kết quả 100%. Đối với viêm gan siêu vi C, điều trị thành công là khi sau sáu tháng ngưng thuốc (thời gian điều trị tùy thuộc vào type siêu vi C) mà không tìm thấy siêu vi C trong máu của bệnh nhân. Những trường hợp này, tỉ lệ tái phát sau năm năm không vượt quá 1%, vì vậy có thể được xem là hết bệnh.

Rất nhiều bạn đọc đã hỏi bệnh lây truyền bằng cách nào, phòng ngừa được không. Thậm chí có bạn đọc còn lo lắng không biết ăn uống chung với người bị viêm gan siêu vi có bị lây bệnh. Các bác sĩ cho biết bệnh viêm gan siêu vi A thường lây qua đường tiêu hóa, biểu hiện bệnh chủ yếu vào giai đoạn cấp tính, không để lại hậu quả và di chứng lâu dài về sau.

Riêng viêm gan siêu vi B và C lây truyền qua ba đường: máu, tình dục và mẹ truyền cho con. Vì vậy để phòng ngừa phải lưu ý không tiêm chích, sử dụng chung những vật dụng có khả năng dính máu với người khác; không sử dụng ma túy; quan hệ tình dục an toàn; thăm khám thai và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ khi mang thai, đặc biệt ở những bà mẹ mang thai có nhiễm siêu vi B, C.

Bệnh viêm gan siêu vi B có thể điều trị khỏi được không? Sao cùng bị viêm gan siêu vi B nhưng có người phải điều trị, có người thì không? Phác đồ điều trị như thế nào, kéo dài bao lâu? Câu hỏi này của bạn Trần Trung Long, 21 tuổi, cũng là điều hàng trăm bạn đọc khác băn khoăn hỏi các bác sĩ.

Giải đáp vấn đề này, ThS. BS Lê Thị Tuyết Phượng - phó khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân Dân 115 - cho biết viêm gan siêu vi B có hai dạng, một là cấp tính: có thể khỏi hoàn toàn và tạo được kháng thể miễn dịch suốt đời. Việc điều trị trong giai đoạn cấp đa số chỉ cần nghỉ ngơi và có các biện pháp hỗ trợ thích hợp. Hai là mãn tính: nếu ở dạng không hoạt động chỉ cần theo dõi định kỳ, chưa cần điều trị đặc trị. Nếu ở dạng hoạt động, căn cứ vào trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc điều trị đặc trị dạng uống hoặc chích. Thời gian điều trị tùy từng bệnh nhân nhưng thông thường phải kéo dài từ một đến vài năm, thậm chí một số người phải điều trị suốt đời.

Theo bác sĩ Phượng, khi bị nhiễm siêu vi B mãn tính, mục tiêu của điều trị là làm sao thải trừ được virut đến mức không phát hiện được trong máu, hạn chế tối đa gây tổn thương gan, hạn chế tỉ lệ xơ gan, ung thư gan. Tỉ lệ bệnh nhân được chữa khỏi hẳn siêu vi B mãn tính rất thấp.

Các khách mời tham gia buổi giao lưu trực tuyến “Bệnh viêm gan siêu vi - chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị” tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 18-5 - Ảnh: T.ĐẠM

Kết hôn, sinh con bình thường

Bị viêm gan siêu vi B có nên lập gia đình và sinh con không, nếu có thì cần lưu ý gì? Băn khoăn của bạn Lương Quốc Sinh, 24 tuổi, được TS.BS Phạm Thị Lệ Hoa - phó chủ nhiệm bộ môn nhiễm Đại học Y dược TP.HCM - khẳng định người bị nhiễm siêu vi B vẫn lập gia đình và có con bình thường. Nếu mang thai mà có HBeAg dương tính thì có thể truyền siêu vi B cho con.

Tuy nhiên, hiện nay tất cả bé sinh từ mẹ bị nhiễm siêu vi B đều được chích văcxin và dùng HBIg ngay sau sinh để được bảo vệ trong tháng đầu đời. Trẻ cũng cần được xét nghiệm HBsAg và antiHBs sau 18 tháng để bảo đảm việc chủng ngừa theo chương trình tiêm chủng mở rộng là hiệu quả và có kháng thể bảo vệ. Ngoài ra, viêm gan siêu vi B không lây từ cha sang con, chỉ lây từ mẹ sang con.

Phụ nữ mang thai bị bệnh viêm gan siêu vi B có chữa trị được không? Khi nào tiến hành chữa trị? Cần kiêng ăn, uống gì? TS.BS Phạm Thị Lệ Hoa cho biết phụ nữ mang thai nhiễm viêm gan siêu vi B không có tăng men gan và chưa điều trị thì không cần điều trị cho đến khi sinh đủ số con mong muốn. Khi không còn muốn mang thai thêm, có thể cân nhắc các chủ định điều trị để kiểm soát virut và phòng ngừa biến chứng xơ gan, ung thư gan. Trong trường hợp bệnh đã có biến chứng xơ gan hay xơ hóa gan nặng thì nên tránh mang thai vì có thể nguy hiểm cho mẹ.

Một bạn đọc nam bị viêm gan siêu vi B đặt câu hỏi bị bệnh viêm gan siêu vi B có ảnh hưởng đến tinh trùng hoặc khả năng có con, có lây nhiễm cho vợ? ThS. BS Lê Thị Tuyết Phượng giải thích nếu người vợ đã chích ngừa viêm gan B và có đủ kháng thể bảo vệ thì sẽ không bị lây nhiễm từ chồng và ngược lại. Nhiễm viêm gan B ở dạng không hoạt động sẽ không ảnh hưởng đến tinh trùng hoặc khả năng có con, tuy nhiên nếu viêm gan mãn hoặc xơ gan sẽ có ảnh hưởng.

Khi nào chuyển sang xơ gan, ung thư?

Một số bạn đọc còn lo lắng về nguy cơ chuyển sang ung thư gan, khi nào và mất bao nhiêu thời gian thì viêm gan siêu vi B, C sẽ chuyển sang ung thư gan? BS Trần Nguyên Hà - trưởng khoa nội 4 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết cả viêm gan siêu vi B và C đều được coi là yếu tố nguy cơ gây ung thư gan. Tuy nhiên, không phải ai bị viêm gan B, C cũng sẽ chuyển sang xơ gan hay ung thư nếu có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt thích hợp. Người bị bệnh vẫn có thể sống chung với viêm gan siêu vi mà không chuyển qua xơ gan hay ung thư gan (chỉ có một tỉ lệ nhỏ bệnh viêm gan mãn tính kết hợp với nhiều yếu tố nguy cơ khác mới dẫn đến xơ gan và ung thư gan).

Khi đến giai đoạn ung thư gan là bó tay phải không bác sĩ? Trả lời câu hỏi này của bạn đọc Nguyễn Thị Mão, 78 tuổi, BS Trần Nguyên Hà cho biết tùy giai đoạn của bệnh mà tiên lượng của người bị bệnh ung thư gan có khác nhau. Nếu phát hiện sớm, bướu còn nhỏ và không có bệnh lý gan khác đi kèm như xơ gan thì phẫu thuật là phương pháp có thể điều trị tận gốc. Nếu không phẫu thuật được, cũng có những phương pháp khác để điều trị như TOCE, TACE, phẫu thuật đông lạnh, diệt bướu bằng sóng cao tần... Ngoài ra mới đây người ta còn điều trị ung thư gan giai đoạn trễ bằng thuốc sinh học hay còn là liệu pháp nhắm trúng đích.

TTO

Read more...