Thuốc chống mù lòa do bệnh đục thủy tinh thể
Các nhà khoa học thuộc Trường đại học Adelaide, Úc ngày 14-10 công bố nghiên cứu thành công loại thuốc đầu tiên trên thế giới có thể ngăn ngừa mù lòa do bệnh đục thủy tinh thể ở người cao tuổi.
Nghiên cứu sinh Kelly Keeling và giáo sư Andrew Abell - Ảnh: AN |
Giáo sư Andrew Abell, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết loại thuốc dưới dạng dung dịch hoặc kem nhỏ vào mắt có tác dụng tấn công trực tiếp vào một loại protein có tên Calpain trong mô mắt, giúp ngăn chặn quá trình phát triển bệnh đục thủy tinh thể dẫn đến mù lòa.
Theo Tổ chức Phòng chống mù lòa thế giới, có gần 18 triệu người trên thế giới bị mù lòa vì bệnh đục thủy tinh thể và mỗi năm có hơn 200.000 ca phẫu thuật đục thủy tinh thể. Các chuyên gia nhãn khoa khuyến cáo người lớn tuổi (từ 50 tuổi lên) nên kiểm tra sức khỏe mắt định kỳ để chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh đục thủy tinh thể nhằm ngăn ngừa mù lòa vĩnh viễn. |
Loại thuốc này bước đầu thử nghiệm thành công trên động vật nhưng chưa được thử nghiệm trên người. Tuy nhiên, theo GS Abell, nếu thử nghiệm thành công trên người, nó có thể thay thế hoàn toàn phẫu thuật - vốn là phương pháp duy nhất có hiệu quả trong việc chữa đục thủy tinh thể.
“Các bác sĩ nhãn khoa có thể dễ dàng chẩn đoán các dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể, trước khi nó ảnh hưởng đến thị giác. Nhiều bệnh nhân đục thủy tinh thể cao tuổi không muốn tiến hành phẫu thuật và chất lượng cuộc sống của những bệnh nhân này thường gặp nhiều trở ngại vì phải chờ đến thời điểm thích hợp mới có thể tiến hành phẫu thuật. Chúng tôi tin loại thuốc này có thể giúp ngặn ngừa bệnh đục thủy tinh thể ở người cao tuổi mà không phải phẫu thuật”, theo GS Abell.
Hiện nhóm nghiên của GS Abell - được giới khoa học nhãn khoa đánh giá rất cao - đã thành lập một công ty nghiên cứu loại thuốc phòng chống bệnh đục thủy tinh thể này. Dự kiến nó sẽ được sản xuất đại trà trong thời gian tới nếu thử nghiệm thành công trên người.